chia sẻ

Bàn về vấn đề ký quỹ trong bán hàng đa cấp

Những năm gần đây, bán hàng đa cấp không những gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội mà còn tạo ra nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện chỉ có Nghị định 110 ngày 24/8/2005 và Thông tư 19 ngày 8/11/2005 quy định đầy đủ nhất về quản lý hoạt động này. Cả hai văn bản trên đều đã được thực thi gần 8 năm, bộc lộ nhiều bất cập và không đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của ngành.
Xuất phát từ những khó khăn trên, Bộ Công Thương cho biết vừa xây dựng xong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 110 ngày 24/8/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Bàn về vấn đề ký quỹ trong bán hàng đa cấp
MB24 là một trong những trường hợp làm xấu hình ảnh bán hàng đa cấp
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sẽ được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở như quy định trước đây. Giấy chứng nhận cấp lần đầu có thời hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm.

Bên cạnh đó, hiện có hai ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về vốn pháp định của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Ý kiến thứ nhất cho rằng cần quy định mức vốn pháp định 10 tỷ đồng nhằm đảm bảo khả năng tài chính của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức mạng lưới một cách bền vững và hiệu quả. Song, cũng có ý kiến nhận định việc quy định mức vốn pháp định là 10 tỷ đồng sẽ hạn chế sự tham gia thị trường của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Bộ Công Thương ý kiến thứ nhất sẽ hợp lý hơn bởi 10 tỷ đồng không phải quá lớn với một doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi tính đến đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng mạng lưới cũng như tích trữ hàng hóa phục vụ phân phối.
Tiền ký quỹ là khoản đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với nhà nước, người tham gia và người tiêu dùng khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động.
Liên quan đến quy định về tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cũng có hai phương án được đưa ra. Một phía cho rằng cần phải tăng giá trị ký quỹ từ một lên 5 tỷ đồng, cân nhắc giữa rủi ro hệ thống mạng lưới bán hàng đa cấp và gánh nặng tài chính của doanh nghiệp.

Phía khác lại đề xuất cần quy định giá trị ký quỹ tương ứng với doanh thu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo khả năng thanh toán trong trường hợp phát sinh các rủi ro hệ thống.
Trước những ý kiến trên, Bộ Công Thương cho biết đang tiếp cận theo hướng thứ nhất bởi trên thực tế, một số doanh nghiệp có doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng trong khi phần còn lại chỉ ở mức 10 tỷ đồng, nếu quy định giá trị ký quỹ dựa trên doanh thu sẽ tạo ra sự chênh lệch rất lớn trong yêu cầu ký quỹ giữa các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Khi tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp phải hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp.

Đồng thời, mỗi khi tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo liên quan tới hàng hóa bán hàng đa cấp, giới thiệu cơ hội kinh doanh và kỹ năng kinh doanh ở bên ngoài trụ sở, doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Công Thương nơi tổ chức các hoạt động đó. Người tham gia bán hàng đa cấp cũng không phải trả phí cho các hoạt động đào tạo, ngoại trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo.

Một số hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp cũng được nêu trong dự thảo như không cho phép kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ trừ trường hợp pháp luật cho phép; cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp ký nhiều hợp đồng với cùng một người bán hàng; cấm mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới trừ các trường hợp tập trung kinh tế và cấm doanh nghiệp xúi giục hoặc tiếp tay cho người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi bị cấm...
Trích nguồn từ: Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm