80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã và đang mua bảo hiểm
1. Ngành bảo hiểm Việt Nam dù có những giai đoạn chững lại do ảnh hưởng của nền kinh tế chung, nhưng nhìn chung vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt so với nhiều ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, quy mô thị trường vẫn rất nhỏ bé, mỗi khối doanh nghiệp đều có những vấn đề riêng. Thông điệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bảo hiểm thường xuyên được vị “tư lệnh” ngành gửi gắm tới các thành viên thị trường.
“Cơ quan quản lý thông qua các cơ chế, chính sách sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong ngành”, ông Khánh khẳng định như vậy tại một cuộc họp với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đó không chỉ là lời hứa. Có tới ba cuộc hội thảo cùng chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh” dành cho từng khối liên tiếp được Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm tổ chức trong tháng 5 và tháng 6 năm nay.
“Hơn 20 năm qua, chưa bao giờ Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan lại xắn tay một cách đầy tâm huyết vì sự phát triển triển chung của toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam đến vậy” - ông Phùng Ngọc Khánh.
Tại những hội nghị, hội thảo của ngành, những đề xuất, kiến nghị từ các doanh nghiệp bảo hiểm được Cục ghi nhận và trong thẩm quyền của mình, xét thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp quy liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Cục sẽ trình cơ quan cấp cao hơn xem xét, vì mục tiêu nâng cao tính an toàn, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong ngành.
Hành lang pháp lý cho hoạt động bảo hiểm trong năm 2015 được các doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá được hoàn thiện hơn, có tác động tích cực đến sự tăng trưởng của ngành.
Thậm chí, có văn bản mới được ban hành trong năm 2014, nhưng xét thấy chưa phù hợp với tình hình thực tế cũng đã được Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, như Thông tư số 194/2014/TT-BTC.
Thực tế, trong năm qua, nhờ cơ chế, chính sách cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện, chủ trương tái cơ cấu ngành quyết liệt của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nâng cao năng lực tài chính, thông qua việc tăng vốn điều lệ, tăng trích lập dự phòng.
Việc phân loại thị trường theo quy mô vốn/rủi ro cũng đã được tính đến để thị trường hoạt động an toàn, bền vững hơn. Doanh nghiệp bảo hiểm vốn nhỏ thì làm nhỏ, vốn lớn thì làm lớn. Một doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng thì quy mô hoạt động, quy mô nhận rủi ro từ khách hàng sẽ khác với một doanh nghiệp có vốn 2.000 tỷ đồng. Điều đó không chỉ mang lại sự an toàn cho chính hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn vì sự an tâm của chính khách hàng.
“Hơn 20 năm gắn bó với thị trường bảo hiểm, chưa bao giờ thấy Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan lại xắn tay một cách đầy tâm huyết vì sự phát triển triển chung của toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam đến vậy”, ông Khánh chia sẻ.
2. Ngành bảo hiểm đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Ngoài vai trò là “tấm lá chắn” cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trước những rủi ro, những năm gần đây, ngành bảo hiểm đã có đóng góp nguồn vốn đầu tư lớn cho nền kinh tế.
Năm 2015, tổng số dư đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành lên tới 152.000 tỷ đồng. Bảo hiểm đã góp phần thực hiện các chương trình lớn của Chính phủ. Thông qua các chương trình Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm đã thể hiện ý nghĩa an sinh - xã hội cao cả của mình.
Các chương trình này cùng với chương trình bồi thường đặc biệt cho hàng trăm doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh vào tháng 5/2014 đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá cao.
“Tôi nghĩ, tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể được hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường bảo hiểm, chứ không chỉ người mua bảo hiểm”, ông Khánh cho biết.
Với vai trò và đóng góp quan trọng như vậy của ngành bảo hiểm, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp bảo hiểm không phải là câu chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp, mà là câu chuyên chung của toàn ngành, của Chính phủ, nhất là trước bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Theo ông Khánh, các doanh nghiệp phải hợp lực với nhau để nâng cao hoạt động an toàn, hiệu quả, cho toàn thị trường này.
68.374 tỷ đồng là ước tổng doanh thu phí mà toàn thị trường bảo hiểm đạt được trong năm 2015, theo ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm. Tuy nhiên, xét trên tương quan với GDP cả nước thì mức doanh thu phí bảo hiểm mới chỉ tương đương chưa đầy 3%. Đây là một con số rất khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong vai trò chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố New York đầu tháng 7/2015 thì “tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn.
Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 10% dân số có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 60% hành khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ; bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong khi còn nhiều phân khúc bảo hiểm vẫn chưa được khai thác. Và động lực cho tăng trưởng của thị trường đó chính là sự hợp lực trên toàn hệ thống, ở đó có người mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chế độ chính sách, cộng đồng quốc tế…
3. Trong câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Khánh vui mừng chia sẻ, cùng với đà phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân được cải thiện thì ý thức về việc mua bảo hiểm để phòng tránh rủi ro của người dân, doanh nghiệp cũng ngày một nâng lên.
80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã và đang mua bảo hiểm.
Ông Khánh dẫn ra những con số, tính đến nay, đã có khoảng 10 triệu người Việt Nam mua bảo hiểm y tế, sức khỏe (trong đó có 6 triệu người mua bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu người mua bảo hiểm phi nhân thọ); 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không; 1,620 tỷ lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ…
Lượng khách hàng này đang được bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau.
Về khách hàng tổ chức, hầu hết các loại hình tài sản, trong đó, 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã và đang mua bảo hiểm. Tổng giá trị tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới gần 10 triệu tỷ đồng.
“Chúng ta phải cảm ơn khách hàng, những người trực tiếp bỏ tiền mua bảo hiểm, nhằm phòng vệ, giảm thiểu rủi ro cho chính mình; đồng thời góp phần xây dựng thị trường lớn mạnh như ngày hôm nay, cũng như góp phần dựng xây đất nước”, ông Khánh nói.
Thông điệp trên cũng nhiều lần được ông Khánh truyền tải tới các doanh nghiệp trong ngành. Biết tri ân khách hàng và thể hiện điều đó qua những sản phẩm bảo hiểm tốt, chất lượng dịch vụ cao, theo ông Khánh, đó chính là con đường để các doanh nghiệp bảo hiểm đi đến thành công.
Mừng với sự khởi sắc của doanh thu toàn ngành cũng như những chuyển mình trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong năm nay theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, khai phá nhiều kênh phân phối mới như bảo hiểm trực tuyến, bảo hiểm liên kết qua ngân hàng, nhưng ông Khánh cũng thừa nhận, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề.
Nhiệm vụ của cơ quan quản lý trong thời gian tới, là bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý là phải tăng cường công tác giám sát để thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro, cũng như nâng cao năng lực tài chính, chuẩn hóa trình độ chuyên môn cũng như đạo đức hành nghề của đội ngũ nhân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét