chia sẻ

Niềm Tin và Cuộc Sống

1. Tác dụng, sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống: Niềm tin là một sức mạnh tinh thần tiếp thêm nguồn năng lượng vô biên trong cuộc sống. Niềm tin tạo ra cái nhìn và thái độ sống tích cực để có những lựa chọn thích hợp trong cuộc sống. Niềm tin nung nấu ý chí và lòng quyết tâm, kiên trì hành động để vươn tới mục tiêu của mình. Niềm tin vững chắc và tinh thần lạc quan còn có tác dụng thuyết phục và truyền cảm hứng cùng sự hăng hái nhiệt tình sang cho những người gần gũi, qua giọng nói, cử chỉ, điệu bộ và cách cư xử khi giao tiếp với họ. Niềm tin chỉ thay đổi khi con người thay đổi ý nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức về năng lực của bản thân mình. Nhà giáo dục và diễn giả nổi tiếng Earl Nightingale cho rằng điều bí ẩn nhất của cuộc sống là “bạn chính là những gì bạn nghĩ”. Còn Williams Shakespeare cho rằng: “Chúng ta biết mình là ai, nhưng không biết mình có thể là gì”. Cuộc sống chỉ thật sự lâm vào cảnh bế tắc, khi con người không có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn và cũng không có đủ dũng khí để thay đổi cuộc sống bằng cách rời bỏ lối mòn tư duy, thói quen ứng xử và nếp sống vốn có của mình. Napoleon Hill, chuyên gia huấn luyện nổi tiếng về cách làm giàu, cho rằng: “Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại là thói quen dễ dàng từ bỏ ước mơ khi gặp phải những thất bại tạm thời” trong khi “Bất cứ điều gì con người có thể tưởng tượng ra và tin tưởng rằng mình sẽ đạt được đều sẽ trở thành hiện thực.” Vậy hãy hình dung rõ những điều tốt đẹp, lớn lao, tương lai xán lạn đang chờ đón và tin rằng chúng nhất định sẽ trở thành hiện thực, đó là điểm khởi đầu của mọi thành công. Đối mặt với một thế giới biến động không ngừng, muốn thành công con người phải sẵn sàng thay đổi nhiều thứ, trừ những niềm tin cơ bản nhất. Với niềm tin sắt đá vào khả năng đạt được những mục tiêu đề ra, con người không dễ dàng đầu hàng trước những nghịch cảnh trong cuộc đời. Dr. Suess cho rằng: “Bằng niềm tin và cảm hứng, bạn có thể đặt chân lên bất cứ con đường nào mà bạn đã chọn”. Thành công luôn đòi hỏi nỗ lực không ngừng cho dù gặp phải khó khăn đến đâu cũng không được phép lùi bước, sai lầm thất bại rồi sẽ qua đi, nếu niềm tin không suy giảm. Trong lịch sử, nhờ có niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa, sức mạnh dân tộc, ông cha ta đã kiên cường đánh bại ba lần xâm lược của quân Nguyên, đội quân đã đánh chiếm phần lớn châu Á và một nửa châu Âu. Cũng nhờ có niềm tin đó người dân Việt đã tạo ra kỳ tích đột phá, mở đầu cho sự tan rã của hệ thống thuộc địa trên thế giới. Và cũng nhờ có niềm tin đó mà Việt Nam đã là nước đầu tiên đánh bại ý đồ xâm lược của Mỹ, cường quốc số một trên thế giới. Niềm tin cũng sẽ giúp dân tộc Việt Nam vượt qua được mối đe dọa xâm chiếm lãnh thổ và xâm phạm chủ quyền của ngoại bang hiện nay. Tóm lại, niềm tin tích cực sẽ giúp gia tăng lòng tự tin, khơi nguồn năng lượng mạnh mẽ tiềm ẩn, khiến con người vũng bước tiến lên. Khát vọng lớn lao chỉ có thể đạt được khi luôn nó song hành cùng niềm tin. Vậy hãy giữ vững niềm tin mãnh liệt trong từng hơi thở, từng bước đi trong cuộc sống dù cho tình cảnh có gian nan đến thế nào. 2. Hậu quả của việc mất niềm tin: Sự thiếu vắng niềm tin dẫn đến thái độ tiêu cực, không chịu cố gắng hành động nên không thể phát huy được nguồn sức mạnh tiềm tàng của mình, dẫn đến kết quả yếu kém và càng làm suy giảm thêm niềm tin. Đó là yếu tố lớn nhất cản trở con người vươn tới thành công. Niềm tin giới hạn có thể làm thui chột những người thông minh nhất cho dù họ hoàn toàn có khả năng đạt được kết quả vượt trội. Nhiều người đã sống với những niềm tin sai lạc về bản thân mình dẫn đến thái độ cam chịu trước những bất lợi của ngoại cảnh. Điển hình của loại niềm tin sai lạc là tin vào lời bói toán, dẫn đến những tác hại không lường đáng tiếc trong cuộc sống. Nhiều mối tình tan vỡ, bỏ việc, nghi ngờ vô cớ, mất tiền…chỉ vì tin theo lời thầy bói. Niềm tin tiêu cực hoặc giới hạn khiến con người không đạt được những gì thật ra họ hoàn toàn có thể, ngay cả khi họ nắm giữ đầy đủ những điều kiện thuận lợi nhất. Biểu hiện phổ biến nhất của căn bệnh thiếu tự tin thể hiện qua cụm từ “tôi không thể” khi xuất hiện cơ hội hay khả năng nào đó. Vì thiếu niềm tin, họ không dám nghĩ đến việc lớn, nên thường hay ngụy biện là phải tỏ ra mình “có đầu óc thực tế”. Khi đó họ tìm đủ mọi lý do để biện minh cho sự né tránh hành động, mà thực chất là tự đóng chặt cánh cửa tiến thân tiềm tàng của bản thân. Niềm tin tiêu cực về bản thân làm cho không ít người cam phận với cảnh nghèo khó hay cuộc sống tầm thường, tự mình triệt tiêu mọi nổ lực vươn lên. Chính họ đã biến niềm tin tiêu cực của mình thành sự thật. Điểm yếu chung của con người là thói quen để tâm trí dễ dàng tiếp nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ người khác. Nhà tâm lý học Bungary Geogi Lozanov nhấn mạnh: “Khi sinh ra chúng ta đều là thiên tài, nhưng trong quá trình lớn lên, chúng ta mất khả năng thiên phú của mình từ việc lắng nghe ý kiến tiêu cực của kẻ khác”. Lòng tự tin sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, nếu cứ quá chú trọng những lời nhận xét hay đánh giá tiêu cực về mình của những người khác. Nhiều điều mà con người biết về bản thân mình là những niềm tin hạn chế về năng lực của mình, đúng như nhận xét của Shakespeare: “Chúng ta biết mình là ai, nhưng không biết mình có thể là gì”. Tóm lại, khó khăn trở ngại là điều không ai tránh khỏi trong cuộc đời. Cách ứng xử trước khó khăn, trở ngại là yếu tố phân biệt giữa những người, cũng như giữa các quốc gia thành công và thất bại. Trước khó khăn, người cho rằng mình không thể thành công, thì chắc chắn người đó sẽ thất bại. Người muốn chiến thắng, nhưng nghĩ mình không thể nào thắng được, thì sẽ không bao giờ chiến thắng. Tất cả đều tùy thuộc vào ý chí và niềm tin của con người. Kẻ thiếu niềm tin và bỏ cuộc không bao giờ thành công, người thành công không bao giờ bỏ cuộc. Người không có niềm tin vào bản thân chẳng những không bao giờ thành công, mà tai hại hơn là có thể cản trở người khác thành công. Đạt được thành công đỉnh cao hay cam chịu một cuộc sống tầm thường hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân của từng người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm