(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng số lượng hơn 6 triệu hợp đồng bảo hiểm hiện tại vẫn là con số quá ít ỏi so với dân số hơn 90 triệu người.
Thêm nhiều người dân được bảo vệ bởi bảo hiểm đang là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đánh giá, 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên tục được cấp phép và đi vào hoạt động trong thời gian qua, cùng nhiều tập đoàn bảo hiểm nước ngoài đang thăm dò thị trường này phần nào cho thấy dư địa rộng lớn của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Tuy nhiên, cung và cầu của thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa gặp nhau, dù các doanh nghiệp bảo hiểm cố gắng khơi thông bằng nhiều cách như ra mắt các sản phẩm mới, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện có khoảng 6 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho sản phẩm bảo hiểm chính và 6 triệu hợp đồng bảo hiểm bổ trợ. Những hợp đồng này phần lớn được bán cho khách hàng tại các tỉnh, thành lớn. Các phân khúc thị trường khác hầu như còn bỏ ngỏ. Trong hơn 6 triệu hợp đồng bảo hiểm nêu trên, những doanh nghiệp bảo hiểm lớn như Prudential Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, AIA Việt Nam, ACE Life có số lượng hợp đồng chiếm đa số.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc 30% dân số sống ở thành thị, những người có thu nhập khá và ổn định. Những nông dân có trang trại trồng cây ăn trái hay nuôi trồng thủy hải sản cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm chú ý tiếp cận, nhưng chưa đồng đều và ổn định. Còn các phân khúc khách hàng khác như người có thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu mua bảo hiểm với mệnh giá và mức phí phù hợp gần như vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Phân khúc này thường gọi là bảo hiểm vi mô, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn như Prudential hay Manulife Việt Nam đã tiên phong triển khai, nhưng hiệu quả chưa cao và gặp không ít khó khăn.
Thực tế cho thấy, để bán được sản phẩm bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp bảo hiểm cần có lực lượng đại lý đi tuyên truyền cho người dân, rồi lực lượng nhân viên đi thu phí hàng kỳ… Do chi phí bỏ ra cho một sản phẩm vi mô khá lớn, trong khi doanh thu không tăng trưởng như kỳ vọng, nên các doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong trong phân khúc này đang tính toán và cân nhắc kỹ các bước đi tiếp theo. Những doanh nghiệp bảo hiểm khác chưa có chiến lược cho bảo hiểm vi mô.
Gần đây, Chính phủ có quy định và tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện để cho người dân có thêm thu nhập khi về hưu và những người không có bảo hiểm xã hội có thu nhập ổn định khi về già. Đây là phân khúc được các doanh nghiệp bảo hiểm trông đợi, nhưng kết quả sau hơn một năm triển khai chưa thực sự gây ấn tượng. Các doanh nghiệp bảo hiểm xác định, sẽ phải “đi đường dài” với phân khúc này.
Ông Phùng Đắc Lộc nhận định, dù có khó khăn, nhưng nếu doanh nghiệp bảo hiểm khai thác thành công những phân khúc mới nêu trên thì thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ rất phát triển.
Theo ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam, tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất lớn. Ngay ở phân khúc đang được khai thác nhiều nhất là phân khúc khách hàng trung lưu thì dư địa cũng còn rất nhiều.
“Việt Nam đang hình thành tầng lớp trung lưu và tầng lớp này ngày càng đông đảo. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm cả cũ lẫn mới trên thị trường”, ông Đạt nói và cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm, điều này khiến doanh nghiệp an tâm để đầu tư. Nhiều định chế tài chính nước ngoài nhìn thấy tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp trong nước trong việc chăm sóc khách hàng và khai thác hợp đồng mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét