Vụ việc thuê người chặt tay chân để trục lợi bảo hiểm đang được truyền thông đăng tải suốt mấy ngày qua không chỉ là thông tin gây sốc cho độc giả, mà còn sốc đối với ngành bảo hiểm.
Để xảy ra trục lợi bảo hiểm, có trách nhiệm không nhỏ ở chính môi giới của công ty bảo hiểm (ảnh minh họa)
Trục lợi bảo hiểm không phải là câu chuyện xa lạ đối với ngành này, nhưng trục lợi bằng hành động táo bạo như khách hàng này thì không phải ai cũng dám nghĩ tới.
Trước đây khá lâu, ngành bảo hiểm nhân thọ cũng đã từng gặp một vụ trục lợi bảo hiểm tương tự, tất nhiên tình tiết thì không táo bạo bằng. Đó là vụ bồi thường của khách hàng nam trung niên cư ngụ tại một tỉnh phía Bắc. Vị này mua bảo hiểm của một công ty bảo hiểm nước ngoài, có bệnh ở chân, sau một lần bị tai nạn giao thông đã cưa chân, rồi yêu cầu bảo hiểm.
Các công ty bảo hiểm từ chối bồi thường vì cho rằng, tai nạn giao thông đó không dẫn đến việc phải cưa chân. Thực tế là bệnh viện đầu tiên khi khách hàng nhập viện đã từ chối cưa chân theo yêu cầu của khách hàng, nên khách hàng phải vào bệnh viện khác yêu cầu cưa chân (tổn thất không xảy ra tự nhiên).
Tuy nhiên, khi vụ việc được đưa ra tòa thì tòa cấp cao nhất đã phán quyết công ty bảo hiểm phải bồi thường cho khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm dù có phục hay không phục cũng phải thực hiện theo quyết định của tòa án.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2007-2013, toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ có khoảng 52.860 vụ trục lợi bảo hiểm, với số tiền bị trục lợi ước tính hơn 530 tỷ đồng. Tùy thuộc từng doanh nghiệp bảo hiểm, số vụ trục lợi phát hiện được chiếm từ 6-28% số vụ giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Ngoài các hình thức trục lợi như hủy hoại tài sản, sức khỏe và tính mạng, thì việc trục lợi bằng cách giả mạo hồ sơ giấy tờ, hiện trường giả hay khai báo thông tin không trung thực ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều trường hợp khách hàng đi khám bệnh phát hiện có bệnh (ung thư, bệnh hiểm nghèo khác…) sau đó mới đi mua bảo hiểm; hay khách hàng thấy có dấu hiệu bệnh nên đi khám bệnh, nhưng để tên tuổi khác, địa chỉ khác, sau khi có kết quả biết có bệnh thì sẽ đi mua bảo hiểm với tên, tuổi và địa chỉ thật… Trục lợi bảo hiểm đang được coi là vấn nạn của các công ty bảo hiểm.
Theo một thống kê, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2007-2013, toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ có khoảng 52.860 vụ trục lợi bảo hiểm, với số tiền bị trục lợi ước tính hơn 530 tỷ đồng. Tùy thuộc từng doanh nghiệp bảo hiểm, số vụ trục lợi phát hiện được chiếm từ 6-28% số vụ giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm. Về nghiệp vụ, chủ yếu là nghiệp vụ bảo hiểm bổ trợ/sức khỏe, với 93% số vụ trục lợi của toàn thị trường...
Thị trường bảo hiểm nhân thọ những tháng đầu năm 2016 cũng có khá nhiều vụ từ chối bồi thường bảo hiểm, bởi khách hàng đã cố tình khai báo thông tin không chính xác về tình trạng bệnh tật… Trong đó, có một vụ nổi cộm là một khách hàng mua hợp đồng bảo hiểm của nhiều công ty bảo hiểm khác nhau. Chỉ một thời gian ngắn sau khi mua bảo hiểm thì khách hàng tử vong. Các công ty bảo hiểm đã từ chối bồi thường vì khách hàng có bệnh trước khi mua bảo hiểm và tử vong vì bệnh đã có trước đó.
Trục lợi bảo hiểm gia tăng, theo các chuyên gia trong ngành, một phần vì chế tài xử lý các vụ trục lợi này chưa nghiêm và gần như không có vụ trục lợi bảo hiểm nào được xử lý. Được biết, Bộ luật Hình sự mới năm 2015 có Điều 213 quy định về tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Nhưng hiện nay, Bộ luật này đang được dời lại ngày hiệu lực thi hành.
Đối với vụ cố tình trục lợi bảo hiểm với hành vi hủy hoại thân thể như trên, theo các chuyên gia trong ngành, ngay cả nếu không hoãn hiệu lực thi hành thì vụ việc trên cũng không áp dụng được do xảy ra vào tháng 5, còn ngày hiệu lực của Bộ luật đã định trước đây là 1/7/2016.
Thông thường, các vụ trục lợi bảo hiểm đến nay nếu áp dụng thì theo Điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tuy nhiên, vụ việc trên khó xử lý hình sự vì tội lừa đảo có yếu tố cấu thành tội phạm hỗn hợp (cấu thành hình thức và cấu thành vật chất), mà khuynh hướng là phải có cấu thành vật chất, cụ thể là hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm phải đã xảy ra, trong khi ở vụ việc trên khách hàng chưa lấy được tiền bảo hiểm.
Để ngăn ngừa trục lợi, ngoài việc cần chế tài mạnh, cũng có ý kiến cho rằng, bản thân các công ty bảo hiểm phải xiết chặt việc kiểm soát đầu vào từ các hợp đồng. Nhiều vụ trục lợi được phát hiện và khi tìm hiểu thì thấy, dường như công ty bảo hiểm đã bỏ qua khâu đánh giá năng lực tài chính của người mua. Một khách hàng không có việc làm ổn định, nhưng vẫn có thể mua vài hợp đồng của các công ty bảo hiểm khác nhau với mệnh giá bảo hiểm khá lớn. Hoặc một khách hàng cùng thời điểm mua nhiều hợp đồng mệnh giá nhỏ (để lách kiểm tra sức khỏe theo xác xuất của các công ty bảo hiểm) của các công ty bảo hiểm khác nhau...
“Đây là những điểm mà các công ty bảo hiểm cần phải lưu ý nhiều hơn nữa”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét