Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH), Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm (BH) 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu phí BH ước đạt 61.261 tỷ đồng, tăng 22,14% so với cùng kỳ.
Hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đang tích cực mở rộng mạng lưới, ra mắt nhiều sản phẩm mới…, kỳ vọng sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Bảo hiểm phi nhân thọ: Bảo Minh giành lại vị trí thứ 3
Báo cáo số liệu từ Cục QLBH cho thấy, 9 tháng đầu năm tổng doanh thu phí thị trường BH phi nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số, tăng 12,48%, đạt 26.883 tỷ đồng.
Về thị phần thị trường BH phi nhân thọ, Bảo hiểm PVI tiếp tục dẫn đầu thị trường với doanh thu phí BH gốc đạt 5.262 tỷ đồng, chiếm 19,57% thị phần, vị trí thứ 2 thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu đạt 4.714 tỷ đồng, chiếm 17,53% thị phần.
Bảo Minh sau nhiều tháng đầu năm 2016 lùi về vị trí thứ 4 đã vươn lên giành lại vị trí thứ 3 của năm 2015, với doanh thu đạt 2.253 tỷ đồng, chiếm thị phần 8,38%. Bảo hiểm PTI nhường lại vị trí thứ 3 cho Bảo Minh, đứng ở vị trí thứ tư với doanh thu đạt 2.188 tỷ đồng, chiếm 8,14% thị phần; vị trí thứ 5 thuộc về PJICO với doanh thu đạt 1.782 tỷ đồng, chiếm 6,63% thị phần.
Ngoài 5 DNBH dẫn đầu thị trường, một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí BH gốc trên 50% so với cùng kỳ như Phú Hưng (67 tỷ đồng, tăng 80,46%), Cathay (134 tỷ đồng, tăng 78,22%)…
Cục QLBH cũng cho biết, bên cạnh mức tăng trưởng doanh thu cao, thị trường BH phi nhân thọ 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với cùng kỳ, điều này cho thấy nỗ lực của DNBH trong việc nâng cao chất lương dịch vụ, quản trị rủi ro.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, số tiền thực bồi thường BH gốc của thị trường phi nhân thọ ước là 8.678 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 32,28%, thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2015 (42,12%).
17/30 DNBH phi nhân thọ có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 13 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.
Xét theo nghiệp vụ, BH xe cơ giới là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu thị trường BH phi nhân thọ, đạt 8.657 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,2%, tiếp theo là BH sức khỏe và tai nạn con người (6.120 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,62%), BH tài sản và BH thiệt hại (4.237 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,76%)…
Bảo hiểm nhân thọ: Top 5 chiếm gần 80 thị phần khai thác mới
Cũng theo Cục QLBH, 9 tháng đầu năm, thị trường BH nhân thọ tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững cho thấy nỗ lực của chính DNBH trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm và mạng lưới, thu hút ngày càng nhiều khách tham gia BH. Theo đó, tổng doanh thu phí BH khai thác mới 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt hơn 11.646,4 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ.
Top 5 DNBH nhân thọ dẫn đầu thị trường chiếm gần 80% thị phần doanh thu khai thác mới, cụ thể Bảo Việt Nhân thọ (21,15%), Prudential (20,49%), Manulife (13,64%), Dai-ichi (12,59%), AIA (11,15%). Vị trí thứ 6 thuộc về Generali với 5,01% thị phần, tiếp theo là Chubb (4,7%), PVI Sun Life (3,76%), Hanwha (2,58%)…
Về số lượng hợp đồng khai thác mới trong 9 tháng đầu năm, dẫn đầu là nghiệp vụ BH hỗn hợp với 440.002 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 41,08%), tăng trưởng 18,35% so với cùng kỳ, tiếp theo là BH liên kết đầu tư với 424.150 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 39,6%), tăng trưởng 35% so với cùng kỳ, nghiệp vụ BH tử kỳ là 196.233 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 18,32%)…
Cũng theo Cục QLBH, số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) đến thời điểm hiện nay đạt 6.159.500 hợp đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí BH nhân thọ đạt 34.377,8 tỷ đồng, tăng 30,94% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia trong ngành BH, tới đây sự xuất hiện trở lại của PVI Sun Life – DNBH nhân thọ 100% vốn nước ngoài sau khi DNBH này mua nốt 25% cổ phần từ PVI sẽ hứa hẹn tạo cú hích cho thị trường BH nhân thọ, cuộc đua thị phần sẽ ngày càng gay gắt hơn đối với DNBH ở nhóm dưới.
Cũng theo các chuyên gia trong ngành, lĩnh vực BH được đánh giá là màu mỡ nên thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều cái tên mới xuất hiện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Theo đó, sự góp mặt của các DNBH nhân thọ mới vào thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh mẽ, khiến “cuộc chiến” thị phần sẽ gay gắt hơn, điều này đồng nghĩa với việc DNBH sẽ phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, ra mắt sản phẩm mới…, và người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, thị trường sẽ ngày càng phát triển bền vững.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh BH và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BH đang được lấy ý kiến và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới, giúp DNBH cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, đảm bảo tính an toàn của hệ thống…, tạo điều kiện cho DNBH phát triển mạnh mẽ.
Hồng Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét