Năm nay tôi 55 tuổi, là thủ quỹ UBND xã được gần 20 năm, nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo Luật BHXH 2014, từ 1/1/2016, cán bộ không chuyên trách cấp xã như tôi được đóng BHXH bắt buộc.
Khi hỏi cán bộ lao động - thương binh & xã hội (LĐ-TB&XH) xã phụ trách, tôi được trả lời là không được đóng BHXH bắt buộc mà chỉ đóng BHXH tự nguyện. Vậy, tôi có được đóng BHXH bắt buộc không và đóng như thế nào?
BHXH Việt Nam trả lời:
Căn cứ quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014; Khoản 3, Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trường hợp ông là thủ quỹ UBND xã nằm trong các chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã theo định biên được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Như vậy, ông thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, được hỗ trợ tiền đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Khoản 3 Điều 86 Luật BHXH năm 2014 - Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động quy định của Luật BHXH năm 2014.
Hỏi:
Tôi vào ngành Giáo dục từ năm 1970, công tác 40 năm liên tục dạy mẫu giáo hệ dân lập. Tôi đã đóng BHXH bắt buộc từ tháng 1/1995 đến hết tháng 12/2010 là được 16 năm liên tục. Do đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH nên tôi đóng BHXH tự nguyện từ năm 2011 đến hết tháng 3/2014. Tổng số năm đóng BHXH là 20 năm. Tôi được nhận sổ hưu hưởng lương từ tháng 4/2015. Số tiền hưu là 561.300 đồng/tháng. Số tiền trên quá ít ỏi không đủ sống ở mức tối thiểu mặc dù tôi đã công tác 40 năm liên tục trong ngành Giáo dục Việt Nam. Vậy tôi có được tăng lương hưu lên mức lương cơ sở không?
BHXH Việt Nam trả lời:
Bà nghỉ hưu từ tháng 4/2015 thuộc đối tượng được điều chỉnh tăng 8% lương hưu theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ.
Nếu mức lương hưu của bà sau khi điều chỉnh tăng 8% theo quy định mà thấp hơn 1.750.000 đồng/tháng thì được tăng thêm 250.000 đồng/tháng. Nếu sau khi điều chỉnh tăng 8% mà lương hưu của bà cao hơn 1.750.000 đồng/tháng thì được tăng lên bằng 2.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ.
Sau khi điều chỉnh như trên nếu lương hưu của bà thấp hơn mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng và bà có hồ sơ giấy tờ chứng minh có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995 thì lương hưu của bà được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở hiện hành (1.210.000 đồng/tháng) theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP.
Hỏi:
Tôi sinh năm 1955, thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, tham gia đơn vị Tổng trại 3 thuộc Quân khu 5 từ tháng 2/1972 đến tháng 12/1976. Trong thời gian này tôi bị thương và hưởng chế độ thương binh 3/4 (42%), được nhà nước tặng nhiều huân, huy chương (còn lưu giữ). Sau đó tôi tham gia BHXH bắt buộc tại UBND xã Tịnh Hiệp được 13 năm và tham gia BHXH tự nguyện.
Tôi nhiều lần liên hệ BHXH huyện Sơn Tịnh để làm thủ tục cộng nối thời gian tham gia BHXH bắt buộc trong quân đội. BHXH huyện yêu cầu phải có giấy xuất ngũ và nhập ngũ nhưng 2 loại giấy tờ này tôi bị thất lạc. Sau đó tôi liên hệ với Huyện đội Sơn Tịnh, quân khu 5 để trích lục hồ sơ gốc thì được trả lời hồ sơ gốc của đơn vị Tổng trại 3 đã bị cháy kho, không còn hồ sơ gốc nên đơn vị chỉ có thể xác nhận thời gian tham gia quân đội.
Quá trình tham gia quân đội đã được nghi vào lý lịch đảng, thường vụ huyện ủy Sơn Tịnh xác nhận. Đến nay hồ sơ cộng nối thời gian tham gia quân đội của tôi chưa được cơ quan BHXH xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của tôi?
BHXH Việt Nam trả lời:
Trường hợp của ông mất quyết định xuất ngũ, vậy ông cung cấp:
- Xác nhận thời gian công tác của Quân khu 5, cam kết chịu trách nhiệm trược pháp luật về việc xác nhận đó.
- Xác nhận của Ban Chỉ huy Quân sự huyện đội Sơn Tịnh chưa được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 52/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỏi:
Tôi đang là Chỉ huy phó (Phó Chỉ huy trưởng) quân sự xã, đang hưởng mức tổng phụ cấp là 3.12 theo Luật Dân quân tự vệ. Tôi tham gia đóng BHXH theo Luật BHXH năm 2014 (thủ tục tham gia đóng BHXH qua phần mềm BHXH). Tôi muốn tham gia đóng mức 1.86, nhưng cơ quan BHXH cho tôi biết là chỉ được đóng mức 1,0. Vậy tôi có tham gia đóng mức bảo hiểm theo 1.86 không?
BHXH Việt Nam trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 85 và Khoản 3 Điều 86 Luật BHXH, trường hợp của bạn đang là Phó Chỉ huy trưởng quân sự xã thì mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức lương cơ sở (hiện nay là 1.210.000 đồng/tháng). Vì vậy, bạn không thể đóng BHXH bắt buộc theo tiền lương bằng 1,86 mức lương cơ sở.
Sưu tầm internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét