chia sẻ

TRỤC LỢI BẢO HIỂM ( chuyện muôn thuở )

Có nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau và loại nào cũng bị lợi dụng đục khoét, nhiều nhất là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm nhân thọ.
Trục lợi từ vài trăm ngàn tiền khám chữa bệnh đến mấy trăm triệu bảo hiểm thân thể khi bị bệnh hiểm nghèo.
Một phụ nữ ở Phú Thọ thấy chồng bị bệnh nặng, liền mua bảo hiểm của 5 công ty bảo hiểm khác nhau. Một tháng sau, người chồng qua đời thì người vợ tới các công ty bảo hiểm đòi tiền bồi thường. Ở Vũng Tàu có người đã mất, gia đình móc nối với chính quyền địa phương đẩy lùi ngày làm giấy chứng tử, rồi tiến hành mua bảo hiểm cho người đã chết. Và mới đây nhất, vụ một phụ nữ 30 tuổi tại Phúc Thọ, Hà Nội thuê người để chặt chân, tay mình nhằm hưởng tiền bồi thường bảo hiểm tới 3,5 tỉ đồng đã gây rúng động dư luận cả nước. Đúng là chuyện lạ có thật chỉ ở nước ta.
Những trường hợp trục lợi bảo hiểm phổ biến như không đến khám chữa bệnh nhưng giả mạo chứng từ y tế để được hưởng tiền bảo hiểm; hoặc câu kết với cá nhân, tổ chức y tế như bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược phẩm... để có chứng từ y tế không đúng với thương tật, bệnh tật, tình trạng sức khỏe thực tế. Công ty sẽ từ chối bồi thường, đồng thời xóa tên ra khỏi danh sách bảo hiểm, không hoàn phí bảo hiểm cho những khách hàng này.
Truc loi bao hiem - Anh 1
Qua theo dõi từ 2007-2014, Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm tới gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm (bình quân mỗi năm 8.000 vụ). Tổng số tiền trục lợi giai đoạn này khoảng 850 tỉ đồng, trung bình gần 110 tỉ đồng/năm. Đấy là chưa tính đến những hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả, gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp bảo hiểm, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Có những doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn, số vụ trục lợi lên đến con số 2.000 vụ/năm.
Như vậy là người hưởng thụ bảo hiểm đã nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để trục lợi. Chỉ bị bệnh nhẹ nhưng cũng đi khám ở nhiều cơ sở khác nhau để kiếm thêm vài vỉ thuốc. Có bệnh hiểm nghèo nhưng không khai báo trung thực để sớm nhận một khoản tiền lớn từ bảo hiểm. Còn chuyện người đã chết mà làm sai lệch hồ sơ để lĩnh tiền bảo hiểm thì không còn gì để nói về nhân cách con người.
Thanh Hóa hiện đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về bội chi quỹ bảo hiểm y tế, âm gần 400 tỉ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều đơn vị khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa đúng và vi phạm các quy định hiện hành. Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế đang cận kề. Như vậy sẽ có bao nhiêu người ốm đau, bệnh tật còn đâu kinh phí để khám chữa bệnh nữa!
Trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới cũng có khá nhiều hành vi trục lợi. Người có xe ôtô bị va quệt, nứt gương chiếu hậu, đã cố ý đập cho vỡ hẳn gương để đòi bảo hiểm bồi thường.
Phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát hiện ra hành vi trục lợi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và yêu cầu bồi thường. Đối tượng vi phạm rất đa dạng gồm khách hàng (bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng); nhân viên bảo hiểm, đại lý bảo hiểm; bên thứ ba có liên quan (như: người giám định, người sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại; người tham gia vào quá trình điều trị cho người được bảo hiểm; cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh; công an, chính quyền địa phương...). Qua thống kê, các hành vi vi phạm chủ yếu là các hành vi liên quan đến công tác khai thác và giám định, bồi thường hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Trước đây, khi xảy ra trục lợi bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng sẽ làm việc và dàn xếp với nhau. Nhưng hiện nay, tội trục lợi bảo hiểm đã được quy định tại Điều 223, Bộ luật Hình sự sửa đổi. Hành vi trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm... thì sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Tuy nhiên, dù có chế tài như thế nhưng các gói bảo hiểm bồi thường giá trị tiền tỉ vẫn là miếng mồi ngon với những kẻ trục lợi. Cho nên, dù phạt tù hay thậm chí nặng hơn, vẫn có người bất chấp để thực hiện hành vi gian dối của mình.
Vì vậy, trước hết, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tự cứu mình trước, phải đảm bảo chặt chẽ từ khâu khai thác, bán hàng đến khâu bồi thường; khi có tai nạn xảy ra phải kịp thời đến hiện trường ghi nhận.
Ý thức tự giác và cái tâm của con người vẫn là điều quyết định. Khi mà người hưởng thụ bảo hiểm và các nhà chức trách lại thông đồng làm bậy thì hậu quả vẫn còn xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm