chia sẻ

ĐẶC TRƯNG CỦA BẢO HIỂM NHÂN THỌ - phần 2

2.​Đặc trưng thứ hai: Số tiền được bảo hiểm không bị giới hạn

ĐẶC TRƯNG CỦA BẢO HIỂM NHÂN THỌ - phần 2
Ông Phùng Đắc Lộc
Giám đốc Quỹ “Vì cuộc sống tươi đẹp”
Dai-ichi Life Việt Nam
​Bảo hiểm phi nhân thọ có số tiền được bảo hiểm bị giới hạn bởi giá trị tài sản được bảo hiểm hay hạn mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại về người và tài sản cho bên thứ ba do lỗi của người được bảo hiểm gây ra. Bảo hiểm nhân thọ ngược lại không bị giới hạn số tiền bảo hiểm mà số tiền được bảo hiểm theo lựa chọn của người tham gia bảo hiểm và được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận nếu phù hợp với khả năng tài chính của người tham gia bảo hiểm đảm bảo đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng thời hạn trong suốt thời hạn của hợp đồng bảo hiểm. Nguyên nhân không giới hạn số tiền bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ là:
-​Tính mạng, sức khỏe của con người là vô giá.
-​Nghĩa vụ trả nợ của mỗi người khác nhau bao gồm vay ngân hàng, người thân, bạn bè để mua sắm, chi tiêu sinh hoạt gia đình, sản xuất kinh doanh, đầu tư (chứng khoán, bất động sản).
-​Nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng của người tham gia bảo hiểm với thân nhân của mình (bố mẹ, vợ chồng, con cái) khác nhau.
-​Nhu cầu tài chính để thực hiện 1 kế hoạch trong tương lai (tính tiết kiệm) hoàn toàn khác nhau: cho con học cấp 3, đại học, học nghề, dựng vợ gả chồng, mua nhà, sắm xe, xây sinh phần (mộ), hưu trí tuổi già…
​Tuy nhiên với trường hợp tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm quá lớn, doanh nghiệp bảo hiểm rất thận trọng trong đánh giá rủi ro để chấp nhận bảo hiểm phòng ngừa trường hợp “hy sinh đời bố củng cố đời con” hoặc người tham gia bảo hiểm có thể gây cái chết cho người được bảo hiểm để thu được số tiền bảo hiểm.
3.​Đặc trưng thứ ba: bảo hiểm nhân thọ thường là hợp đồng dài hạn
​Bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm y tế có thời hạn được bảo hiểm thường là từ 01 năm trở xuống. Hết thời hạn này, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm y tế có thể tính toán so sánh giữa phí thu được, chi phí bồi thường chi trả và chi phí kinh doanh khá. Song bảo hiểm nhân thọ có thời hạn rất dài từ 05 năm 10 năm… đến suốt đời. Vì thời hạn dài nên tác động đến bảo hiểm nhân thọ các vấn đề sau:
3.1​Tích tụ rủi ro được bảo hiểm: rủi ro thiên tai, tai nạn, ốm đau, bệnh tật tử vong trong thời hạn càng dài thì xác suất xảy ra càng lớn. Nhất là rủi ro tai nạn, ốm đau, bệnh tật, tử vong ở từng độ tuổi khác nhau có xác suất xảy ra càng cao khi độ tuổi càng lớn. Điều này lý giải tại sao bảo hiểm phi nhân thọ không nhận bảo hiểm tai nạn ốm đau, bệnh tật, tử vong cho những người quá 65 tuổi (khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam hiện nay là nam 71 tuổi, nữ 73 tuổi). Nếu chấp nhận bảo hiểm thì phí bảo hiểm thu rất cao xấp xỉ bằng số tiền bảo hiểm thì việc tham gia bảo hiểm không còn ý nghĩa.
​Bảo hiểm nhân thọ dài hạn đã chấp nhận tích tụ rủi ro từ khi người được bảo hiểm còn trẻ đến hết thời hạn bảo hiểm hoặc suốt đời nên việc tích tụ rủi ro được chia sẻ trong suốt thời gian được bảo hiểm và trong mọi đối tượng, lứa tuổi được bảo hiểm.
​Với đặc điểm này, những người chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn nhất là hợp đồng bảo hiểm có phần bảo vệ rủi ro lớn sẽ rất thua thiệt vì tuổi càng cao xác suất bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật, tử vong càng lớn.
​Những người tham gia bảo hiểm với thời hạn ngắn càng bất lợi vì sự tích tụ rủi ro càng ít, thậm chí ngắn quá nên chưa có rủi ro xuất hiện. Ngược lại người tham gia bảo hiểm thời hạn càng dài thì khả năng các rủi ro ốm đau, bệnh tật, tai nạn, tử vong xuất hiện gần như là chắc chắn và biết được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm.
3.2​Tích tụ phí bảo hiểm: Phí bảo hiểm do người tham gia bảo hiểm đóng hàng kỳ (tháng, quý, năm) có thời gian nhàn rỗi tương đương với thời hạn của hợp đồng bảo hiểm. Thời gian đóng phí càng dài, phí bảo hiểm đã đóng tích tụ càng lớn. Hợp đồng bảo hiểm thường có thời hạn dài 05 năm, 10 năm… suốt đời nên khoản phí bảo hiểm tạm thời nhàn rỗi cũng có những thời hạn như trên. Doanh nghiệp bảo hiểm sau khi thu được phí bảo hiểm không thể cất vào két sắt hoặc gửi tiền vào tài khoản vãng lai không sinh lời. Ngược lại doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán từng ngày số phí thu được trừ đi biên khả năng thanh toán tối thiểu còn lại là tiền nhàn rỗi để đầu tư tài chính vào nền kinh tế quốc dân.
​Căn cứ vào thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm tương ứng, doanh nghiệp bảo hiểm xác định được số tiền nhàn rỗi, thời gian nhàn rỗi để đầu tư sinh lời vào các lĩnh vực: trái phiếu Chính phủ, chứng khoán, bất động sản, góp vốn liên doanh, ủy thác cho vay. Để quản lý chặt chẽ phí bảo hiểm thu được của khách hàng, Luật kinh doanh bảo hiểm quy định đối với doanh nghiệp bảo hiểm như sau:
- ​Phải tách và hạch toán riêng biệt Quỹ chủ sở hữu (vốn của doanh nghiệp bảo hiểm) với Quỹ chủ hợp đồng (phí bảo hiểm thu được từ chủ hợp đồng bảo hiểm).
-​Phải trích lập đầy đủ các khoản dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (từ phí bảo hiểm thu được) theo đúng quy định của pháp luật.
-​Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn đảm bảo biên khả năng thanh toán (để đảm bảo chi trả bảo hiểm khi rủi ro, sự cố, sự kiện được bảo hiểm xảy ra) lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu.
-​Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được phép sử dụng Quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tạm thời nhàn rỗi (bằng phí thu được trừ biên khả năng thanh toán tối thiểu) đầu tư vào nền kinh tế quốc dân (không được phép đầu tư ra nước ngoài) theo các quy định sau:
+ Mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tiền gửi ngân hàng: không hạn chế
+ Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
+ Kinh doanh bất động sản theo quy định của luật kinh doanh bất động sản tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
+ Góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
Kết quả đến 31/12/2015, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư vào nền kinh tế quốc dân được trên 127.000 tỷ đồng (tương đương với 6 tỷ USD). Đặc biệt bước đầu Chính phủ đã phát hành trái phiếu với kỳ hạn 20 năm, 30 năm và được doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hưởng ứng mua với giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Bảo hiểm nhân thọ đã khẳng định vai trò quan trọng là một kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đầu tư xây dựng đất nước. Với tốc độ tăng trưởng 30%/năm trong các năm tới, số tiền đầu tư vào nền kinh tế quốc dân của bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ tăng từ 25%-30%/năm.
Với sản phẩm bảo hiểm có cam kết chia lãi, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo chia lãi cho người tham gia bảo hiểm tối thiểu 70% số lãi thu được (30% còn lại thuộc chi phí hoạt động kinh doanh và lãi của doanh nghiệp bảo hiểm).
Với đặc tính tích tụ phí bảo hiểm và đầu tư sinh lời từ phí bảo hiểm tích tụ được tạm thời nhàn rỗi, chúng ta thấy thời gian đóng phí bảo hiểm càng dài số phí bảo hiểm tích tụ càng lớn nên lãi đầu tư cho năm tới sẽ thu được nhiều hơn năm trước. Vì vậy những khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn thường bị thiệt thòi khi nhận được giá trị hoàn lại thấp không như mong đợi.
Ông Phùng Đắc Lộc
Giám đốc Quỹ “Vì cuộc sống tươi đẹp”
Dai-ichi Life Việt Nam
https://www.facebook.com/dacloc.phung/posts/181477158979708

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm