KĐS - Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) chia trứng ngày càng phát triển rộng khắp trên thế giới.
Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) chia trứng ngày càng phát triển rộng khắp trên thế giới. Với nhiều lợi ích, sự chia sẻ trứng - sẻ chia hạnh phúc đã mang lại cơ hội có thai không những cho phụ nữ vô sinh trẻ chức năng buồng trứng tốt mà còn cho cả những phụ nữ không thể có con bằng chính trứng của mình; nhân đôi niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ cho hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh trên thế giới.
Ngày nay, trên thế giới ngày càng nhiều phụ nữ kết hôn muộn hoặc muốn có con muộn. Điều này khiến họ rơi vào tình trạng không thể sinh con bởi vì họ bị mãn kinh sớm hoặc do lớn tuổi. Chất lượng trứng thường bắt đầu giảm sau tuổi 35, bị nhiều tổn hại nghiêm trọng sau 40 tuổi và gần như bị suy giảm toàn bộ sau tuổi 43. Điều này là do một số bất thường của tế bào trứng, đặc biệt là với các trục chính phân bào giảm nhiễm, mà kết quả cho tỉ lệ phần trăm cao của phôi bất thường. Bên cạnh đó, còn có những phụ nữ không có buồng trứng do bị cắt buồng trứng bởi bệnh lý ở buồng trứng hoặc bị căn bệnh di truyền không thể có con bằng chính trứng của họ. Tất cả họ nếu muốn có con đều cần phải xin trứng làm TTTON. Chương trình TTTON bằng trứng hiến đã trở thành phổ biến hơn với những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ hỗ trợ sinh sản đã mang lại hạnh phúc lớn lao được làm mẹ cho những phụ nữ này. Tuy nhiên, nguồn trứng hiến thì thật khan hiếm không những ở các nước đang phát triển mà kể cả những nước phát triển.
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, có nhiều phụ nữ trẻ tuổi, buồng trứng rất tốt và cần phải làm TTTON thì mới có con (nguyên nhân do chồng hoặc bị tắc 2 vòi trứng) nhưng đã không có đủ kinh phí để làm TTTON. Thêm vào đó, có một số phụ nữ làm TTTON có nhiều trứng dư thừa mà họ không cần dùng cho tương lai sau khi họ đã có thai và bị bỏ phí. Cần giải pháp nào cho vấn đề này? Xuất phát từ nhu cầu thực tế, chương trình chia trứng TTTON đã ra đời và ngày càng phát triển trên khắp thế giới, hàng năm đã có hàng ngàn phụ nữ được hưởng lợi từ phương pháp này. Chia trứng là 1 phương pháp điều trị TTTON kết hợp cho những phụ nữ có nhiều trứng (người chia trứng) với những phụ nữ không có trứng (người nhận trứng). Chia trứng cho phép 2 nhóm phụ nữ này giúp đỡ lẫn nhau - người chia trứng nhận được điều trị TTTON với chi phí thấp, trong khi đó người nhận trứng nhận được trứng cần cho họ làm TTTON với giá phải chăng. Các nghiên cứu đã được công bố chỉ ra rằng chia trứng không làm giảm cơ hội có thai của người chia trứng và việc có thai đồng thời giữa người chia trứng và người nhận là phổ biến.
Lợi ích của chương trình chia trứng làm TTTON
Chương trình chia trứng làm TTTON mang lại nhiều lợi ích với người chia trứng, người nhận trứng và với xã hội, đó là:
- Cung cấp điều trị TTTON miễn phí hoặc trợ cấp cho những phụ nữ đủ điều kiện trở thành người chia trứng.
- Cung cấp một lựa chọn an toàn cho những phụ nữ cần xin trứng.
- Giảm sự lãng phí trứng trong các trường hợp nhiều trứng và không sử dụng hết khi làm TTTON.
- Tránh được sự phụ thuộc vào những người cho trứng không phải là bệnh nhân. Do đó, loại trừ các rủi ro liên quan đến TTTON và can thiệp y tế không cần thiết cho nhóm phụ nữ này.
- Mang tính nhân đạo cao, thúc đẩy sự giúp đỡ lẫn nhau giữa những người phụ nữ hiếm muộn cần điều trị TTTON.
- Tiền đề cho việc thành lập ngân hàng trứng.
Đối tượng của chương trình chia trứng làm TTTON
Người xin trứng:
Chỉ định của người xin trứng:
- Không có buồng trứng hoặc đã bị cắt.
- Suy buồng trứng sớm nguyên phát hoặc thứ phát.
- Mãn kinh.
- Lớn tuổi.
- Vô sinh không rõ nguyên nhân.
- Thất bại IVF nhiều lần.
- Người bị sảy thai nhiều lần.
- Phụ nữ bị bất thường di truyền nghiêm trọng.
Kỹ thuật đông trứng bằng phương pháp thủy tinh hóa ra đời với tỉ lệ trứng sống sau rã đông rất cao
Điều kiện của người xin trứng:
- Quy định về tuổi khác nhau giữa các nước: ở Anh và một số nước châu Âu, tuổi người xin trứng quy định là < 50 tuổi; ở Ấn Độ và một số nước khác là < 55 tuổi; riêng ở Hoa Kỳ thì không giới hạn tuổi người xin trứng.
- Có đủ sức khỏe có thể mang thai.
- Đã được tư vấn sẵn sàng về vấn đề chia trứng.
- Về mặt tài chính có thể đủ khả năng điều trị.
Người chia trứng:
Có nhu cầu điều trị TTTON và có dự trữ buồng trứng tốt.
Chia trứng không làm giảm cơ hội có thai của người chia trứng
Điều kiện của người chia trứng:
- Tuổi 18 - < 35 tuổi.
- Không có bệnh truyền nhiễm hoặc rối loạn di truyền.
- Xét nghiệm FSH/AMH đánh giá tình trạng của buồng trứng.
- Không hút thuốc lá ít nhất trong 3 tháng.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) <28.
- Không có tiền căn u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng.
- Không quá 2 lần IVF thất bại.
Cách tiến hành và kết quả của TTTON chia trứng trên thế giới
Các chi phí của IVF có thể là rào cản đối với một số bệnh nhân mong muốn có con khi mà IVF là phương pháp điều trị duy nhất có thể giúp họ có con. Nguyên nhân là do tắc 2 vòi trứng hoặc tinh trùng của chồng quá kém, trong khi đó, chức năng buồng trứng còn rất tốt.
Các chương trình chia trứng lần đầu tiên được tiến hành ở Hoa Kỳ khoảng năm 1988 với mục đích làm cho việc thực hiện TTTON giá cả phải chăng hơn. Đối với những người cho trứng đủ điều kiện, các chương trình chia trứng cung cấp một cách hợp lý để họ làm TTTON với chi phí giảm trong khi giúp đỡ được người khác một cách kín đáo. Đối với những người nhận, chương trình chia trứng giúp những người phụ nữ này thực hiện được thiên chức làm mẹ và sinh ra đứa trẻ có liên quan huyết thống với chồng mình mà chi phí cho những người nhận cũng được giảm đáng kể.
Còn ở Anh, những người cần xin trứng để làm TTTON phải chờ đợi trong thời gian rất dài do rất khan hiếm người cho trứng, rất nhiều phụ nữ Anh phải ra nước ngoài để xin trứng với chi phí rất cao. Trong khi chưa có giải pháp nào cho vấn đề này thì năm 1992, có bệnh nhân đến gặp BS. Kamal Ahuija và BS. Eric Simon tại phòng khám phụ khoa của họ ở Durham và đề nghị được chia trứng làm TTTON. Điều này là ý tưởng giúp cho 2 vị bác sĩ người Anh đi tiên phong trong vấn đề chia trứng ở Anh.
Trứng thường được chia đều giữa người chia trứng và người nhận, theo hợp đồng đã thỏa thuận trước. Trong trường hợp số trứng chia lẻ, ở Anh, trứng dôi ra sẽ được chia cho người chia trứng; còn ở Hoa Kỳ, trứng dôi ra sẽ được chia cho người nhận trứng. Khi trứng của người chia quá nhiều, sẽ được chia cho 2 người nhận (tối đa số người nhận được cho phép ở Anh và ở Hoa Kỳ là 2). Nếu không đủ trứng để chia (ít hơn 8 trứng), người chia trứng phải lựa chọn quyết định không chia trứng và giữ lại tất cả trứng cho mình, tuy nhiên, trong trường hợp này, họ phải trả phí IVF. Còn người xin trứng sẽ phải hủy chu kỳ và được hoàn trả phí đã thực hiện cho người chia trứng. Nghiên cứu của Efstratios (2003) cho thấy nếu giảm số lượng tế bào trứng tối thiểu cần thiết để thực hiện chia trứng từ 12 xuống 8 và chia các tế bào trứng bằng nhau giữa người cho và người nhận, đã làm giảm đáng kể tỉ lệ hủy bỏ chu kỳ, trong khi đó, tỉ lệ sinh sống của người cho và người nhận không bị ảnh hưởng.
Các nghiên cứu đã được công bố chỉ ra rằng chia trứng không làm giảm cơ hội có thai của người chia trứng và việc có thai đồng thời giữa người chia trứng và người nhận là phổ biến. Nghiên cứu (Ahuja và cộng sự, 1996; Zeynep và cộng sự, 2012) cho thấy: không có sự khác biệt về số lượng trung bình của trứng được chia, tỉ lệ thụ tinh hoặc số phôi chuyển trung bình và tỉ lệ sinh sống giữa người chia trứng và người nhận mặc dù tuổi người nhận cao hơn người chia trứng. Cơ hội có thai hoặc sinh sống của người chia trứng và người nhận cũng giống như bệnh nhân làm TTTON tiêu chuẩn. Người chia trứng cũng không có nguy cơ bị hội chứng quá kích buồng trứng cao hơn so với người làm TTTON tiêu chuẩn. Tại The Lister Fertility Clinic ở Anh, giai đoạn năm 2005 - 2012, kết quả của người chia trứng với tỉ lệ có thai 55,8% và tỉ lệ sinh sống 40,4%, tương đương với kết quả có thai ở phụ nữ <35 tuổi làm TTTON (tỉ lệ có thai 54,4% và tỉ lệ sinh sống là 41,2%). Số liệu thống kê của Trung tâm Sinh sản Herts & Essex từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013 cũng cho thấy kết quả ở người chia trứng và người nhận rất cao với tỉ lệ có thai, thai lâm sàng và tỉ lệ sinh sống lần lượt là 56,3%, 42,5% và 40% ở người chia trứng; người nhận trứng là 64,4%, 55,6% và 45,6%.
Gần đây, kỹ thuật đông trứng bằng phương pháp thủy tinh hóa ra đời với tỉ lệ trứng sống sau rã đông rất cao, nghiên cứu của Krinos cho thấy: noãn đông lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa có thể cung cấp cùng một chất lượng phôi, thai và khả năng làm tổ giống trứng tươi. Với kết quả ấn tượng của phương pháp đông trứng thủy tinh hóa, bệnh nhân có thể làm một chu kỳ và sử dụng một số trứng tươi cho bản thân và sau đó đông trứng phần còn lại. Nếu họ có thai hoặc có một số lý do khác nên họ không muốn sử dụng những trứng đã đông lạnh, họ có thể hiến số trứng đông lạnh cho ngân hàng trứng (đây là tiền đề để thành lập ngân hàng trứng). Nếu hai vợ chồng không có thai, họ có thể sử dụng trứng đông lạnh của họ và chỉ phải trả phí bình thường để làm rã đông, thụ tinh, nuôi phôi và chuyển phôi. Ở Trung Quốc, những bệnh nhân làm TTTON có trên 20 trứng được khuyến khích thụ tinh tối thiểu 15 trứng với tinh trùng của chồng để tạo thành phôi. Số trứng còn dư sẽ được trữ đông bằng phương pháp thủy tinh hóa. Thông thường, những phụ nữ này sau khi sinh con khỏe mạnh và họ thường hiến số trứng trữ lạnh vào ngân hàng để cho các cặp vợ chồng hiếm muộn khác. Tỉ lệ có thai lâm sàng của trứng trữ hiến là 42,3%, tỉ lệ làm tổ là 25,5%. Không có bé bị dị tật bẩm sinh. Những kết quả này chỉ ra rằng trứng thủy tinh hóa là một phương pháp hiệu quả cho một chương trình chia trứng hiến với kết quả làm tổ và có thai chấp nhận được.
TS. VŨ MINH NGỌC
(Bệnh viện Từ Dũ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét