Tăng hay giảm chi phí: tùy từng đối tượng
Hiện nay, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động không đóng BHTN cho người lao động. Nhưng theo Luật Việc làm có hiệu lực vào ngày 1-1-2015, doanh nghiệp chỉ cần có sử dụng lao động, bất kể hợp đồng lao động thời vụ, xác định hay không xác định thời hạn cũng phải đóng BHTN 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN.
Theo luật sư Phạm Thị Phước Thịnh, Giám đốc bộ phận Dịch vụ Quản trị tiền lương thuộc NhanViet Management Group (NVM Group), quy định mới này có lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Bởi vì khi đóng 1% này, doanh nghiệp sẽ không phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động với mức mỗi năm nửa tháng lương như hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp cũng giảm phần nào chi phí liên quan.
Chẳng hạn, với một lao động có lương khoảng 10 triệu đồng/tháng và làm việc liên tục trong một năm, doanh nghiệp chỉ trả khoảng 1,2 triệu đồng/năm BHTN, và không trả thêm trợ cấp thôi việc nếu người lao động này nghỉ việc. Trong khi với quy định hiện nay, doanh nghiệp phải trả nửa tháng lương, tức 5 triệu đồng, trợ cấp thôi việc cho lao động này.
Thật sự có nhiều doanh nghiệp mong muốn được đóng BHTN ngay từ lúc ký hợp đồng để sau đó không phải quan tâm đến việc giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc như các doanh nghiệp đang sử dụng dưới 10 lao động đang phải thực hiện, bà Thịnh cho biết.
Ngoài ra, điều này cũng mở ra nhiều cơ hội hơn cho người lao động để họ tham gia và hưởng BHTN vì thời gian đóng BHTN được tích lũy, cộng dồn chứ không mất đi.
Tuy nhiên, theo NVM Group, doanh nghiệp phải có kế hoạch cho chi phí lao động tăng liên quan đến việc thay đổi về mức lương làm căn cứ xác định mức lương tối đa đóng BHTN. Bởi lẽ, theo Luật Việc làm, mức tiền lương tháng tối đa để tính đóng BHTN không còn là 20 lần lương tối thiểu chung (lương tối thiểu chung hiện nay là 1,15 triệu đồng) mà là 20 lần lương tối thiểu vùng.
Với việc lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ đầu năm 2015, vùng 1 là 3,1 triệu đồng, vùng 2 và vùng 3 lần lượt là 2,75 và 2,4 triệu đồng, theo đó chi phí lao động liên quan đến BHTN sẽ cao gấp 2,7 lần so với mức trần đóng BHTN hiện nay.
Và, với quy định mới, doanh nghiệp phải tham gia BHTN cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hợp đồng lao động có hiệu lực.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thêm quyền lợi khi đóng góp vào Quỹ BHTN, đó là được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, điều kiện và thủ tục hỗ trợ như thế nào còn tùy thuộc nhiều vào việc hướng dẫn và thực hiện luật này, bà Thịnh chia sẻ.
Theo bà Thịnh, việc tách BHTN khỏi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng là thêm một thủ tục mà doanh nghiệp cần lưu ý trong việc kê khai và đóng BHTN. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết, do đó, doanh nghiệp phải làm như thế nào thì còn phải chờ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó giám đốc BHXH TPHCM, việc tách BHTN khỏi Luật BHXH phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Trên thế giới, phần lớn các nước quy định chính sách BHTN hay bảo hiểm việc làm tại một văn bản luật riêng hoặc quy định trong Luật Việc làm (ví dụ như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đức, Argentina, Mông Cổ...). Bên cạnh đó, mục tiêu của BHTN có sự khác biệt so với BHXH. BHTN là mục tiêu ngắn hạn, trong khi đó, BHXH với trụ cột chính là chế độ hưu trí lại là mục tiêu dài hạn.
Theo ông Tiến, việc lập thủ tục tham gia BHTN sẽ thuận lợi hơn hiện nay. Bởi khi lập thủ tục tham gia BHXH, BHTN cho người lao động, hiện nay, doanh nghiệp phải phân loại hợp đồng 12 tháng để đóng BHTN. Từ năm 2015, họ không còn phải làm việc này vì Luật Việc làm quy định đối tượng tham gia BHXH, BHTN là như nhau (có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên).
Nhiều thay đổi với người lao động
Mặc dù nhìn chung, không có nhiều thay đổi đối với doanh nghiệp liên quan đến đóng BHTN, nhưng có nhiều thay đổi về điều kiện hưởng, mức hưởng cũng như thời gian hưởng BHTN với người lao động.
Theo ông Tiến, những thay đổi này theo hướng đảm bảo nguyên tắc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm, cũng như nguyên tắc bảo đảm công bằng giữa đóng và hưởng,...
Chẳng hạn như quy định hiện nay, người lao động nếu có đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN sẽ được hưởng trợ cấp sáu tháng khi mất việc làm, tức không có sự khác biệt giữa người đóng 36 hay 72 tháng.
Trong khi đó, quy định mới thể hiện rõ hơn nguyên tắc đóng - hưởng, nghĩa là cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp (tức là, người lao động đóng được 48 tháng BHTN sẽ được hưởng trợ cấp bốn tháng, thay vì sáu tháng như hiện nay - PV).
Hiện nay người lao động hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Quy định mới phân định rõ mức đóng BHTN và hưởng giữa người lao động đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và đóng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, theo đó mức hưởng tương ứng là tối đa 5 lần mức lương cơ sở, và 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Nhìn chung, với những lao động đang đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức đóng tối đa BHTN sẽ gần như gấp đôi mức hiện tại, nhưng mức nhận tối đa lại thấp hơn mức tối đa của hiện tại.
Chẳng hạn, tạm tính với mức lương tối thiểu chung là 1,15 triệu đồng, và lương tối thiểu vùng 1 là 2,7 triệu đồng như hiện nay. Theo Luật BHXH hiện hành, mức đóng BHTN tối đa là 230.000 đồng (tức 1% của 20 lần lương tối thiểu chung), nhưng theo quy định mới là 540.000 đồng/tháng (tức 1% của 20 lần lương tối thiểu vùng).
Nhưng, mức hưởng BHTN tối đa lại giảm, vì không được quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng (hoặc tối thiểu chung với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) (xem bảng).
Theo ông Tiến, quy định này nhằm tăng cường nguồn thu cho quỹ, đồng thời chia sẻ với người có thu nhập thấp khi trước mắt chưa có quy định thu BHXH, BHTN trên mức thu nhập của người lao động.
Ngoài ra, người lao động nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật sẽ không được hưởng BHTN. Theo NVM Group, điều này nhắc nhở về tinh thần kỷ luật, thái độ hợp tác của người lao động khi thôi việc và đảm bảo cho doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng với nhân viên.