NHÂN SỰ BẢO HIỂM NHÂN THỌ ĐI VỀ ĐÂU
Không chỉ những công ty bảo hiểm nhân thọ mới gia nhập thị trường đang tìm kiếm nhân sự lành nghề, ngay cả một số công ty bảo hiểm nhân thọ đã hoạt động nhiều năm cũng có nhu cầu nhân sự lành nghề cho nhiều vị trí.
Cầu nhiều, trong khi nguồn cung hạn chế là nguyên nhân khiến nhân sự bảo hiểm liên tục có sự dịch chuyển.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài chia sẻ, đây là thời điểm khá nhạy cảm về nhân sự, CEO của công ty này cũng đang đau đầu khi thấy một số nhân sự lành nghề của công ty đang được chuyên viên “săn đầu người’ chăm sóc khá kỹ lưỡng.
“Lương bổng và chế độ thưởng cho nhân viên cũng như đại lý bảo hiểm giỏi của công ty so với thị trường khá tốt, nhưng để đạt được mục đích có người, ‘công ty bạn’ chắc chắn phải đưa ra một chế độ hấp dẫn hơn”, vị đại diện trên nhìn nhận.
Hiện nhân sự thị trường bảo hiểm nhân thọ (từ đại lý lâu năm, nhân viên các bộ phận có kinh nghiệm, đến quản lý sale…) đều đang có sự dịch chuyển khá sôi động. Nhìn nhận về sự luân chuyển này, Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, nếu không có những “chiêu” câu kéo bất thường kiểu như chi tiền khủng để lấy người và lôi kéo các nhân viên khác đi theo, thì chuyện chuyển dịch nhân sự là câu chuyện bình thường của thị trường. Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển này có thể sẽ trở lên sôi động hơn khi thị trường xuất hiện công ty bảo hiểm mới.
Nhân tố đang gây chú ý trên thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện nay là Liên doanh BIDV Metlife vừa chính thức ra mắt đầu tháng 11/2014. Trong giai đoạn đầu, theo đại diện liên doanh này cho biết, khách hàng của công ty sẽ tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm tại hơn 90 văn phòng giao dịch của BIDV tại Hà Nội trước khi mở rộng ra các chi nhánh khác trên toàn quốc, nên có thể tân binh này chưa có nhu cầu tuyển nhiều đại lý cũng như mở rộng nhiều văn phòng, chi nhánh. Tuy nhiên, khi công ty đã bắt đầu ổn định và có kế hoạch mở rộng thị phần, công tác tuyển dụng nhân sự cũng sẽ không kém phần sôi động.
Cùng sự kiện BIDV Metlife chính thức hoạt động, thị trường nhân sự bảo hiểm cũng đang “nóng” với thông tin về sự xuất hiện của một liên doanh bảo hiểm nhân thọ mới giữa một tập đoàn tài chính đến từ Hồng Kông với phần vốn góp trong nước là một công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, dù chưa có một thông tin chính thức nào về liên doanh này, nhưng những người trong ngành đều đã biết, người tạo ra mối “lương duyên” của liên doanh mới này cũng không quá xa lạ với thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
“Chuyển dịch nhân sự không chỉ là chuyện xảy ra ở 1 - 2 công ty, từ những công ty bảo hiểm có mặt lâu trên thị trường, đến công ty mới ra mắt, thì chuyện ‘người đi kẻ ở’ vẫn xảy ra, nhất là khi có thêm các nhân tố mới”, đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ.
Trải qua nhiều mùa chuyển dịch, làn sóng nhân sự bảo hiểm đến và đi được dự đoán sẽ còn tiếp diễn, bởi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có mặt tại thị trường này cũng chưa thể dừng lại ở con số 14 như hiện nay. Không chỉ là sự có mặt của một liên doanh đến từ Hồng Kông, mà thị trường sẽ còn có sự góp mặt của ít nhất 2 doanh nghiệp bảo hiểm đến từ châu Á đã đặt văn phòng đại diện tại Việt nam khá lâu và dự kiến sẽ chính thức hoạt động từ năm 2015.
Các công ty bảo hiểm đang hiện diện trên thị trường dù lớn hay nhỏ đều đã lường trước và có những giải pháp hạn chế tác động của dòng chảy này, tuy nhiên, ở góc độ nào đó, họ cũng phải chấp nhận việc dịch chuyển này như một quy luật của thị trường. Đây là hệ quả tự nhiên khi ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đầu của sự phát triển và ngày càng nhiều công ty mới tham gia sân chơi này.
“Số lượng lao động có năng lực và nhiều kinh nghiệm trong ngành vẫn còn ít, nên hiện tượng ‘nhảy việc’ vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, vấn đề nhân sự bảo hiểm đến nay vẫn là câu chuyện muôn thủa của ngành và sẽ còn tiếp diễn cho đến khi cung cầu cân bằng”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét