Lựa chọn tham gia làm cổ đông chiến lược cho một doanh nghiệp đã thành đạt trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là cách khôn khéo nhất. Vì sau thành lập 3 – 5 năm công ty vẫn lỗ, chi phí nuôi một doanh nghiệp lỗ trong giai đoạn đó bằng mua lại một phần doanh nghiệp đang làm ăn tốt.
Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.
Trao đổi với BizLIVE, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho biết thị trường phi nhân thọ và nhân thọ Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên theo ông Lộc, với thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty 100% vốn của họ hơn. Để có sản phẩm phù hợp với nhu cầu người Việt Nam thì họ phải nghiên cứu sản phẩm kỹ hơn vì chưa chắc “bê” sản phẩm của nước họ sang đã tốt với người Việt.
Hơn nữa, nhu cầu lo cho sức khỏe, cho tương lai của người Việt còn phụ thuộc vào tiềm năng tích lũy của ăn của để có giới hạn nhất định. Họ cần nghiên cứu sâu mới dám đầu tư.
Với phi nhân thọ, tại Việt Nam, thói quen mua bảo hiểm của các nhà sản xuất kinh doanh cũng như ông chủ được giao cho quản lý tài sản chưa nhiều. Luật hiện nay chưa trói buộc trách nhiệm của người giao giữ tài sản nếu không quản lý được để rủi ro xảy ra mà không mua bảo hiểm thì phải đền, chứ không phải là đổ lỗi cho khách quan.
“Đâu đó văn bản có nhắc đến nghĩa vụ mua bảo hiểm nhưng trên thực tế hiện vẫn còn lơ là”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhận xét về sức cạnh tranh, ông Lộc chỉ ra các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cung cấp sản phẩm vẫn ở thời kỳ sơ khai thị trường, chưa chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, giải quyết bồi thường nhanh chóng kịp thời ngay khi tai nạn mà cạnh tranh bằng hạ phí.
Hơn nữa, quản lý rủi ro chưa có đủ công nghệ thông tin, vẫn còn tình trạng khách hàng trục lợi bảo hiểm, mua một thời gian rồi bỏ, nợ đọng phí bảo hiểm… làm cản trở cho sự phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.
“Họ lựa chọn tham gia làm cổ đông chiến lược cho một doanh nghiệp đã thành đạt trong thị trường phi nhân thọ là cách khôn khéo nhất. Vì sau thành lập 3 – 5 năm, công ty vẫn lỗ, chi phí nuôi một doanh nghiệp lỗ trong giai đoạn đó bằng mua lại một phần doanh nghiệp đang làm ăn tốt. Họ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược tại các doanh nghiệp Việt Nam”, ông chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, họ lựa chọn đối tác phù hợp có năng lực tài chính, kinh doanh, có bề dày kinh nghiệm về quản lý, về khai thác về phát triển bảo hiểm.
Ông Lộc cho biết hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm mà chưa có đối tác chiến lược nước ngoài hiện đang trong giai đoạn gặp gỡ, lựa chọn xong rồi mới đàm phán và đàm phán sao cho có lợi lớn nhất cho mình.
Năm nay, ông dự kiến GDP cả năm có khả năng đạt trên 6,5%. Ngoài ra, trong tháng 10/2015, Bộ Tài chính trình Chính phủ về bảo hiểm xây lắp đặt theo đề nghị của Bộ Xây dựng và Bộ kế hoạch đầu tư.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế sản phẩm bảo hiểm thiên tai và hình thành quỹ bảo hiểm thiên tai. Bởi lẽ Việt Nam là một trong những nước biến đối khí hậu.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu bảo hiểm nông nghiệp: cây trồng, chăn nuôi và thủy sản. Ngoài ra chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Phan Rang, tổ máy đầu tiên được Nga tài trợ sẽ được triển khai trong năm nay, sẽ thúc đẩy sản phẩm bảo hiểm điện hạt nhân.
Cùng với đó là nhiều tổ chức mở rộng phát triển, đẩy mạnh sản xuất, nhu cầu mua bảo hiểm sẽ tăng lên. Theo ông Lộc, tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường phi nhân thọ sẽ tăng trưởng khoảng 17%.
Tuy nhiên, ông Lộc dự báo tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường nhân thọ giảm. Năm nay tiền nhàn rỗi chắc chắn tăng vì kinh tế phát triển nhưng bảo hiểm nhân thọ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt vì các kênh đầu tư tiền nhàn rỗi đã bắt đầu hấp dẫn trở lại như bất động sản, chứng khoán, đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp. Vì vậy thị trường nhân thọ phải có những sản phẩm hấp dẫn hơn thì mới cạnh tranh được.
HẠNH PHÚC
Nguồn: bizlive.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét