Thế hệ lãnh đạo 7x đang được kỳ vọng sẽ mang lại những bước phát triển mới cho doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời nhất tại Việt Nam này
Từ những thương hiệu mới
Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Quang Hiện, chỉ mới 35 tuổi từ vị trí Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm của MB lên nhậm chức Chủ tịch HĐQT MIC. MIC không phải là công ty bảo hiểm lớn và bản thân ông Hiện ngồi vào vị trí cao nhất của Công ty nhờ là đại diện vốn của công ty mẹ MB, nhưng độ tuổi 35 là điểm nhấn khiến ông bị chú ý rất nhiều. Trong lĩnh vực bảo hiểm, lãnh đạo cao cấp 7x “đời cuối” vốn không nhiều, chưa kể lại là Chủ tịch HĐQT.
Với dáng vẻ thư sinh, trông lại trẻ hơn tuổi thật, phát biểu chỉ đạo có phần nhỏ nhẹ, khiến không ít cổ đông tham dự ĐHCĐ của MIC tỏ thái độ băn khoăn. Sự nghi ngại càng tăng lên bởi tuổi đời thì trẻ, kinh nghiệm thì thiếu, trong khi ông Hiện không chỉ làm Chủ tịch HĐQT, mà còn phải đảm nhiệm luôn cả vị trí CEO, bởi dàn lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp mang áo lính này không có ai đảm nhận vị trí này.
Nếu nói “tài không đợi tuổi” thì có lẽ hơi quá, nhưng thị trường bảo hiểm đã ghi nhận một công ty trẻ, vừa mới hết khó khăn nhưng đang tăng tốc rất nhanh để đặt tham vọng gia nhập Top 5 các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường.
Từ năm 2012 đến năm 2014, tổng doanh thu MIC đã tăng gấp đôi, đánh dấu mốc quan trọng lần đầu chinh phục mốc 1.000 tỷ đồng doanh thu, còn lợi nhuận đạt 60 tỷ đồng. Quan trọng hơn, thương hiệu MIC dần được nhận diện một cách rõ nét hơn. Công đầu có lẽ thuộc về ban lãnh đạo MB, nhưng người khai thác tốt nguồn lực của công ty mẹ để đưa MIC vươn lên chính là ông Hiện.
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, với đặc thù chủ đạo là các công ty bảo hiểm trong nước, nhiều công ty được thành lập khi kinh tế bùng nổ giai đoạn 2006 - 2007, trên thực tế đã trải qua một cuộc tái cấu trúc khá mạnh 2 - 3 năm trở lại đây. Dù tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm không rầm rộ như lĩnh vực ngân hàng và không phải tất cả các doanh nghiệp đều tái cấu trúc, nhưng tình hình kinh doanh mới đòi hỏi những tiêu chuẩn mới, điều đó đủ để một lứa lãnh đạo mới lên nắm “diễn đàn”, trong đó xu hướng trẻ hóa được coi là tất yếu.
Tại Bảo hiểm Xuân Thành, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Thương cũng thuộc lứa 7x và tương tự là Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức của Bảo hiểm Hàng không. Với nhà tái bảo hiểm mới thành lập 3 năm là PVI Re, Tổng giám đốc Vũ Văn Thắng kiêm Phó Tổng giám đốc công ty mẹ là CTCP PVI cũng ở độ tuổi này.
Trong một động thái thay đổi nhân sự mới nhất, đầu năm nay, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã thay đổi liền lúc cả 2 vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc, theo xu hướng trẻ hóa lãnh đạo. Ông Nguyễn Trường Giang vừa nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Bùi Xuân Thu đảm nhận chức Tổng giám đốc là hai gương mặt mới.
Tròn 50 tuổi, nhưng dàn lãnh đạo cao cấp nhất của Bảo Việt hiện nay đều ở quãng tuổi 40. Nếu nói về độ trẻ thì lãnh đạo Bảo Việt không phải là điểm ấn tượng, bởi như đã đề cập phía trên, độ tuổi 7x đang nắm đa số vị trí chủ chốt tại rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, Bảo Việt là một doanh nghiệp lâu năm, nhiều thế hệ và vẫn có vốn nhà nước chi phối.
Không chỉ tại công ty mẹ là Tập đoàn Bảo Việt, mà tại các công ty thành viên, bộ máy lãnh đạo vừa được “xây” mới hoàn toàn với các Phó Tổng giám đốc đều là 7x. Có thể kể đến những cái tên như ông Quách Thành Nam, hay ông Nguyễn Quang Hưng tại Bảo hiểm Bảo Việt. Thế hệ lãnh đạo 7x đang được kỳ vọng sẽ mang lại những bước phát triển mới cho doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời nhất tại Việt Nam này.
Tại Bảo hiểm PVI, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang giữ thị phần số 1 thị trường, ấn tượng hơn với một Phó Tổng giám đốc Trịnh Anh Tuấn ở lứa tuổi 8x. Còn cấp trưởng thì ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc đương nhiệm Bảo hiểm PVI hiện được xem là CEO trẻ nhất điều hành một doanh nghiệp lớn nhất.
Bảo hiểm PVI mới được tách ra khỏi PVI như một thành viên độc lập, nhưng thực tế hoạt động thì Bảo hiểm PVI đã có 20 năm kinh nghiệm. Điểm nhấn của dàn lãnh đạo trẻ có lẽ là thứ hạng đứng đầu thị trường bảo hiểm, bởi thứ hạng này mới được Bảo hiểm PVI “mang về” trong 2 năm trở lại đây.
Một thương hiệu khác thuộc loại “có tuổi” trong làng bảo hiểm Việt Nam là PJICO, Tổng giám đốc Đào Nam Hải cũng là người mới bởi ông mới nhận chức chưa đầy 3 năm. Ông Hải dễ gây thiện cảm ban đầu với người đối diện bởi vẻ hiền lành, điềm đạm, nhưng cái cách mà ông Hải điều hành không giống như vậy. Để đưa PJICO từ chỗ là một doanh nghiệp chạy theo doanh thu, lỗ nghiệp vụ lớn, trở thành doanh nghiệp với chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ thì ông Hải đã có nhiều quyết định được coi là “không vừa”.
Năm 2015, PJICO đặt kế hoạch doanh thu bảo hiểm gốc 2.144 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 10%.
7x… cũ rồi!
Đây là nhận xét của lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm lứa tuổi này. Theo vị lãnh đạo này thì có một sự ngẫu nhiên là lứa lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đều sinh trong khoảng 1970 - 1974, độ tuổi trẻ hơn một chút có nhưng không nhiều.
“Được cái đi họp chung, gọi nhau ông - tôi cũng tiện”, vị lãnh đạo này tếu táo nói. “Nhưng ở lứa này, tức là đều đã trên 40 tuổi đời, không thể coi là trẻ, bởi đi dự các diễn đàn quốc tế, lãnh đạo tầm khu vực ở nhiều tập đoàn bảo hiểm còn trẻ hơn nhiều”.
Theo vị lãnh đạo này thì thị trường bảo hiểm Việt Nam đa số là doanh nghiệp mới, đặc biệt trong lĩnh vực phi nhân thọ, nhân sự cao cấp rất hiếm nên việc đề bạt lãnh đạo trẻ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm với đặc thù “quân đông, vốn lớn”, tức là doanh nghiệp nào cũng đông nhân sự và có tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hơn, thế nên áp lực cho lãnh đạo trẻ là không nhỏ.
Áp lực đến từ một số “cây đa, cây đề”, trong đó không ít người được coi là “sáng lập ngành” cũng có, áp lực từ cái nhìn xã hội cũng có. Nhưng lớn nhất là áp lực thị trường, sự cạnh tranh gay gắt, tình trạng cạnh tranh phí bằng giá, hoa hồng vượt khung luôn tồn tại, đặc biệt tình trạng nhiều hợp đồng được ký dựa trên quan hệ khiến tuổi không còn trẻ nhưng lại... non nớt, đôi khi được coi là chưa đủ quan hệ và chưa đủ kinh nghiệm thương trường!
Chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh thị trường bảo hiểm 2015, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm phi nhận thọ cho hay, ngay sau khi nhậm chức, nhiều lúc muốn buông xuông vì áp lực quá lớn từ công ty mẹ dội xuống về doanh thu. Đó là áp lực trong ký tá các hợp đồng, mà ở đó họ là người đại diện trước pháp luật.
Trên thực tế đã có những trường hợp CEO bảo hiểm chủ động nộp đơn thôi việc vì không chịu được áp lực thương trường, áp lực của người làm đại diện trước pháp luật, nhất là khi sự cố liên quan đến hoa hồng từng khiến không ít sếp bảo hiểm “ra đi” trên diện rộng.
Những sếp bảo hiểm 7x, câu chuyện mới cách đây vài năm, nhưng vẫn đáng được nhắc tới bởi lãnh đạo lứa tuổi này không còn là hiện tượng, mà đã thành bình thường. Mỗi người một câu chuyện và ai sẽ là người chắp cánh cho một thương hiệu bảo hiểm Việt Nam lên tầm khu vực khi hội nhập cận kề?
Ở phía bên kia - bảo hiểm nhân thọ, sân chơi chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp ngoại.
Ở khối nhân thọ, thuộc thế hệ 7x, bà Thân Hiền Anh ngoài nắm giữ cương vị quản trị cao nhất tại Bảo Việt Nhân thọ trong vai trò Chủ tịch, còn nắm giữ vị trí tương đương tại Công ty TNHH Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine (liên doanh của Tập đoàn Bảo Việt). Cùng thế hệ còn có dàn lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp khác như ông Chung Bá Phương (Tổng giám đốc Generali Việt Nam), bà Nguyễn Ngọc Trang (Tổng giám đốc VietinAviva)… |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét