Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, người thành công đạt được nhiều mục tiêu không chỉ đơn giản vì họ có năng khiếu trong những lĩnh vực đó. Điểm làm cho họ trở nên khác biệt chính là hành động
TS. Heidi Grant – nhà khoa học của Viện Neuroleadership, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học về động lực tại Đại học Columbia, tác giả cuốn sách bán chạy Nine things successful people do differently (tạm dịch: 9 điều người thành công thực hiện theo cách khác biệt) – cho rằng, điều quan trọng quyết định sự thành công không phải “bạn là ai”, mà là “bạn làm gì”.Trong một bài chia sẻ trên Harvard Business Review, TS. Heidi Grant cho rằng, có 9 hành động tạo nên sự khác biệt của người thành công trong vieejc hoàn thiện mục tiêu đã đề ra.
1.Cụ thể hóa
Khi thiết lập mục tiêu, hãy cụ thể hóa nó hết mức có thể. Bởi vì sự nhận thức chính xác những gì mình muốn và cần phải làm những hành động cụ thể gì để đạt được mục tiêu sẽ giúp bạn duy trì hiệu quả nguồn động lực cho đến khi thành công.
Chẳng hạn, thay vì đặt mục tiêu sẽ “ngủ nhiều hơn”, hãy đặt mục tiêu “sẽ đi ngủ vào 10 giờ tối vào mỗi cuối tuần”. Nhờ đó, bạn sẽ biết chính xác mình cần phải hành động gì và dễ dàng tự kiểm điểm xem mình có thực hiện đúng cam kết hay không.
2.Nắm bắt đúng thời cơ
Chúng ta thường bỏ qua những cơ hội hành động để thực hiện mục tiêu, chỉ đơn giản vì không nhận ra chúng. Bạn có thực sự quá bận đến mức không có thời gian để hành động ngay ngày hôm nay? Có thực sự không thể thu xếp để thực hiện một cú điện thoại? Để đạt được mục tiêu, bạn phải nắm giữ tốt những cơ hội này trước khi chúng vụt biến mất.
Để làm được điều đó, trước tiên, hãy xác định xem bạn muốn đưa ra hành động vào lúc nào và ở đâu. Và một lần nữa, càng cụ thể càng tốt. Ví dụ như đề ra mục tiêu làm việc gì đó vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hoặc 30 phút trước giờ làm việc. Cách này sẽ giúp não bộ dễ dàng nhận ra và nắm bắt cơ hội hơn, tăng khả năng thành công lên đến 300%.
3.Tự giám sát tiến độ thực hiện
Sự hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào cũng đòi hỏi một sự giám sát tiến độ thường xuyên và trung thực. Nếu không nhận được sự giúp đỡ từ người khác, bạn phải có khả năng tự giám sát mình. Nếu không, bạn sẽ không thể điều chỉnh lại hành vi hay chiến lược khi cần thiết.
Do đó, hãy kiểm tra tiến độ thực hiện hằng tuần, thậm chí hằng ngày tùy theo các mục tiêu cụ thể.
4.Lạc quan một cách thực tế
Tin tưởng vào khả năng thành công sẽ giúp bạn tạo ra và duy trì động lực. Tuy nhiên, đừng đánh giá thấp những khó khăn có thể gặp phải trên hành trình thực hiện mục tiêu. Vì việc gặt hái “quả ngọt” đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự nỗ lực và kiên trì.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ suy nghĩ về những điều có thể xảy đến một cách dễ dàng và không cần nỗ lực sẽ khiến bạn thiếu sự chuẩn bị và làm tăng đáng kể khả năng thất bại.
5.Không chỉ làm tốt, mà còn làm tốt hơn
Chúng ta thường tin tưởng vào bản thân theo cách chỉ tập trung thực hiện những việc mình đã và đang làm tốt hơn là phát triển những kỹ năng mới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã chỉ ra rằng, niềm tin vào những “kỹ năng bất biến” là hoàn toàn sai lầm. Vì tất cả các loại kỹ năng đều rất dễ uốn nắn.
Tin vào khả năng thay đổi của bản thân sẽ cho phép bạn đưa ra nhiều lựa chọn tốt hơn và tối ưu hóa tiềm năng của mình hơn. Trên thực tế, người thành công luôn xem hành trình quan trọng không kém đích đến, do đó, họ luôn cố gắng làm mọi thứ tốt hơn yêu cầu đề ra.
6.Thể hiện sự cứng cỏi
Sự cứng cỏi thể hiện ở việc sẵn sàng cam kết với những mục tiêu dài hạn và kiên trì đối mặt với khó khăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người cứng cỏi thường có học thức cao hơn và có điểm số trung bình cao hơn những người khác.
Nếu không phải là một người cứng cỏi, bạn hoàn toàn có thể rèn luyện. Như đã nói ở trên, sự nỗ lực lên kế hoạch, sự kiên trì và một chiến lược hiệu quả là tất cả những gì cần có để thành công. Hiểu rõ điều này không những giúp bạn nhận thức về bản thân và những mục tiêu một cách rõ ràng hơn mà còn giúp bạn trở nên cứng cỏi hơn.
7.Tập luyện “cơ bắp ý chí”
Khả năng tự kiểm soát cũng giống như những cơ bắp khác trên cơ thể, nếu không được tập luyện, nó sẽ trở nên yếu dần đi. Ngược lại, nếu được tập luyện và sử dụng thường xuyên, nó sẽ là một trợ thủ đắc lực giúp bạn nhanh chóng thành công.
Để rèn luyện “cơ bắp ý chí”, hãy đề ra một mục tiêu mà bạn thực sự mong muốn, chẳng hạn như từ bỏ các loại thức ăn có hại cho sức khỏe, thực hiện 100 lần bài thể dục đứng lên – ngồi xuống mỗi ngày, học một kỹ năng mới… Khi cơ thể phát ra tín hiệu muốn bỏ cuộc, hãy chống lại nó. Bước đầu khá khó khăn, nhưng dần dần mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Khi sức mạnh ý chí được gia tăng, bạn sẽ có thể đón nhận nhiều thử thách hơn.
8.Không liều lĩnh
Bất chấp việc ý chí của bạn có thể mạnh mẽ đến độ nào, hãy nhớ rằng nó luôn có giới hạn. Nếu vượt ra khỏi giới hạn đó, mọi công sức sẽ thành uổng phí.
Đừng cùng lúc đặt ra nhiều thách thức cho bản thân, ví dụ như vừa quyết tâm bỏ thuốc lá vừa cố gắng giảm cân. Nhiều người quá tự tin vào khả năng chống lại sự cám dỗ đến mức đặt mình vào hoàn cảnh phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Trong khi đó, người thành công luôn biết rằng không nên làm cho mọi việc trở nên khó khăn, phức tạp hơn so với thực tế.
9.Tập trung vào những việc cần làm, thay vì những điều không nên làm
Nếu muốn từ bỏ những thói quen xấu, đừng chỉ suy nghĩ về chúng. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch xem cần làm thế nào để thay thế chúng bằng những thói quen tốt.
Nghiên cứu về sự loại bỏ ý nghĩ cho thấy, việc cố gắng tránh một ý nghĩ sẽ càng khiến nó tồn tại một cách mạnh mẽ hơn trong tâm trí chúng ta. Điều này cũng đúng đối với những hành vi. Nghĩa là càng nỗ lực tránh thực hiện một thói quen xấu càng khiến nó được củng cố hơn là bị loại bỏ.
Vì vậy, nếu muốn thay đổi cách thức thực hiện điều gì đó, hãy tự hỏi xem mình cần làm gì để thay thế. Chẳng hạn, nếu muốn kiểm soát tính khí nóng nảy, bạn có thể lên kế hoạch hít thở 3 hơi thật sâu mỗi khi mất bình tĩnh. Bằng cách sử dụng hơi thở sâu như một biện pháp thay thế, thói quen xử lý mọi thứ một cách nóng nảy sẽ dần bị “bào mòn” cho đến khi hoàn toàn biến mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét