Thị trường bảo hiểm tiếp tục đà tăng trưởng rất cao, theo bà, liệu điều này còn có thể tiếp diễn trong năm 2016 và các năm kế tiếp?
Năm 2016 là năm bản lề cho giai đoạn trung hạn tiếp theo thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời Hiệp định TPP cùng các hiệp định thương mại tự do (FTAs) song phương khác cũng góp phần mở ra triển vọng tốt đẹp cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Bảo hiểm ngày càng được khẳng định là điểm tựa cho nền kinh tế. Với quy mô dân số lớn, nền kinh tế đang chuyển biến với nhiều tích cực trong khi t lệ thâm nhập bảo hiểm còn thấp, thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là thị trường bảo hiểm nhân thọ dự báo còn nhiều tiềm năng phát triển. Nhận thức cũng như nhu cầu về bảo hiểm của cá nhân và các tổ chức tăng cao, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển thuận lợi hơn.
Tôi tin tưởng thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các năm tới ở mức hai con số. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm và dịch vụ ngày càng đa dạng hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm và đầu tư của khách hàng.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng cơ hội từ TPP cùng các hiệp định FTAs đối với doanh nghiệp khối bảo hiểm nhân thọ là không nhiều nếu so sánh với khối doanh nghiệp phi nhân thọ. Còn quan điểm riêng của bà như thế nào về vấn đề này?
TPP cùng các hiệp định FTAs mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm cả phi nhân thọ và nhân thọ. Các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như các hoạt động đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài đều được tạo điều kiện thuận lợi hơn để gia tăng phát triển. Khi các giao dịch thương mại diễn ra thì ai cũng có thể nhìn thấy nhu cầu về bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ là rất lớn.
Trong bối cảnh đó, ngành bảo hiểm nhân thọ cũng có cơ hội cung cấp các sản phẩm nhân thọ và hưu trí cho các doanh nghiệp trong nước đang phát triển mạnh mẽ và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoạt động tại Việt Nam.
Thị trường phát triển hơn, nhận thức về bảo hiểm nhân thọ của người dân sẽ tăng cao cũng là một điều kiện tốt để bảo hiểm nhân thọ phát triển. Bên cạnh đó thì việc doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh tại 11 nước thành viên TPP là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp này mở rộng thị trường và vươn ra quốc tế trong những năm tới.
Thêm nữa, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng cùng TPP trên nhiều lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản cũng sẽ làm tăng cơ hội đầu tư tài chính của các DN bảo hiểm đối với nguồn vốn từ các quỹ chung của chủ hợp đồng, tạo điều kiện tăng lãi suất bảo hiểm.
Cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm nhân thọ luôn rất lớn và trong quá khứ có cả những hình thức cạnh tranh “chưa đẹp”, bà dự thế nào về mức độ cạnh tranh trong thời gian tới?
Xu hướng cạnh tranh thị trường trong giai đoạn tới sẽ mạnh mẽ trên tất cả các phương diện. Sức ép về vốn, quản trị sẽ gia tăng theo yêu cầu chuẩn hóa pháp lý ngành bảo hiểm toàn cầu.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phải không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, năng lực phân phối sản phẩm, các hoạt động chăm sóc khách hàng, quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào các khâu trong chuỗi giá trị để tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Những năm gần đây, để tăng tiềm lực tài chính, Bộ Tài chính đã tích cực chỉ đạo khối doanh nghiệp bảo hiểm tăng quy mô vốn điều lệ. Theo bà, quy mô vốn lớn sẽ có ảnh hưởng tích cực nào đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm?
Quy mô vốn lớn giúp cho doanh nghiệp bảo hiểm gia tăng năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng mở rộng, quy mô vốn lớn sẽ giúp cho DN đủ điều kiện triển khai các loại hình bảo hiểm mới (bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế...) phù hợp với nhu cầu và đem lại giá trị cao cho khách hàng trong việc lựa chọn sản phẩm và quyền lợi bảo hiểm, tạo ra sự phát triển bền vững cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, quy mô vốn lớn cũng giúp cho DN có đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét