(ĐTCK) Chỉ trong nửa đầu tháng 7/2016, thị trường đã chứng kiến hai thương vụ hợp tác độc quyền được chính thức ký kết và một thương vụ hợp tác độc quyền khủng nữa cũng đang chờ được “chốt hạ”.
Generali Việt Nam sẽ độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua mạng lưới hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch của Eximbank
Chỉ sau một thời gian rất ngắn khi chính thức tuyên bố mua lại Great Eastern Việt Nam từ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern, Tập đoàn FWD (FWD) và ABBank công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng có thời hạn 15 năm tại Việt Nam. Từ đây, FWD sẽ trở thành đối tác độc quyền phân phối toàn bộ sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm thông qua kênh phân phối của ABBank tại Việt Nam. Sau thương vụ này chưa đầy một tuần, Generali Việt Nam cũng thông báo sẽ độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua mạng lưới hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch của Eximbank trên toàn quốc.
Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết, việc ký kết hợp tác độc quyền với Eximbank là chiến lược quan trọng giúp Generali Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa kênh phân phối và mang những sản phẩm, dịch vụ tối ưu của mình đến với hàng triệu khách hàng Eximbank trên toàn quốc.
“Chúng tôi tin rằng quan hệ hợp tác này sẽ mang đến nhiều lợi ích quan trọng cho Eximbank, Generali và khách hàng của cả hai bên, góp phần đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam”, bà Tina Nguyễn nhìn nhận.
Thỏa thuận với Eximbank là thương vụ hợp tác độc quyền đầu tiên với một ngân hàng của Generali, nhưng thực tế bancassurance đã được Generali khai thác từ lâu và bancassurance cũng là kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm được Generali khai thác rất hiệu quả so với các công ty bảo hiểm khác trên thị trường. Hãng bảo hiểm này cũng đặt mục tiêu doanh thu khai thác phí mới qua kênh này sẽ đạt khoảng 30 - 50% doanh thu phí mới trong thời gian không xa nữa.
Hiện nay, ở các nước trong khu vực, doanh thu phí bảo hiểm từ bancassurance chiếm tỷ lệ rất cao, từ 50 - 60% tổng doanh thu phí bảo hiểm ,trong khi tại thị trường Việt Nam, tỷ lệ này mới chỉ chiếm khoảng 3 - 5% tổng doanh thu toàn thị trường.
Cùng với việc ký kết độc quyền dài hạn với ABBank, ông Hùynh Thanh Phong, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn FWD kỳ vọng doanh thu từ bancassurance của FWD cũng phải đạt khoảng 30% đến 50% so với các kênh phân phối khác.
“Tất nhiên, để bancassurance thành công như các nước trong vùng, các công ty bảo hiểm phải làm được từ A-Z, tức là từ bán sản phẩm chăm sóc khách hàng và bồi thường... Phải làm sao để người mua bảo hiểm cảm nhận được cả ngân hàng và bảo hiểm đang phục vụ họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn hợp tác với ABBank 15 năm, vì muốn thành công lâu dài, phải đầu tư rất nhiều từ khâu phân phối đến phục vụ, chi trả”, ông Phong nói.
Có nhiều lý do để các công ty bảo hiểm kỳ vọng bancassuranca sẽ bùng nổ trong giai đoạn tới. Có thể là sự quyết tâm đầu tư và khai thác kênh này của các công ty bảo hiểm, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự thay đổi nhận thức về cơ cấu dịch vụ của các ngân hàng. CEO một ngân hàng thương mại thừa nhận, thực tế thời gian qua có rất nhiều ngân hàng hợp tác với công ty bảo hiểm, nhưng sự hợp tác vẫn chưa thành công lắm khi tỷ trọng doanh thu phí từ bancassurance mới đạt 3 - 5%.
Theo vị CEO này, nguyên nhân xuất phát từ định hướng chiến lược trọng tâm của các ngân hàng thương mại. Nếu nhìn lại lịch sử thì thấy các ngân hàng thời gian trước tập trung vào tăng trưởng tín dụng, các hoạt động ngân hàng truyền thống mà bỏ ngỏ thị trưởng tăng trưởng dịch vụ, trong đó có bancassurance. Nhưng thời gian gần đây, có thể thấy các ngân hàng đã có sự dịch chuyển dần trọng tâm, cơ cấu lại khoản thu nhập và tài sản ngân hàng nghiêng về các dịch vụ.
“Mỗi ngân hàng có một hướng phát triển khác nhau, nhưng chắc chắn thời gian tới, các ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc khai thác các dịch vụ, đặc biệt là việc bán bảo hiểm”, vị CEO trên nhìn nhận.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về xu hướng ký kết độc quyền với các ngân hàng trong việc bán bảo hiểm, ông Phong cho rằng, thực tế công ty bảo hiểm nào cũng mong muốn được hợp tác độc quyền với nhiều ngân hàng vì có độc quyền họ mới yên tâm về sự đầu tư. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại “e ngại” hình thức này vì sợ bị “trói chân”, chính vì thế bancassurance sẽ phát triển theo nhiều cách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét