Nhờ nghệ thuật tiếp xúc với khách hàng, khơi dậy nhu cầu của người mua. Bà bán gà trong câu chuyện này khiến khách hàng móc ví mua thêm ngoài dự định ban đầu.
Chợ quê tôi đông vui lắm, ai sinh sống ở khu vực vẫn duy trì được chợ truyền thống sẽ biết sự nhộn nhịp của chợ quê như thế nào.
Vì sao chợ quê vẫn sống tốt bên cạnh sự phát triển thần tốc của siêu thị và những con người óc cạnh tranh và sức mạnh tiền bạc không thua ai cả? Nhiều lý do lắm, đọc chuyện kinh doanh của bà bán gà bạn sẽ học được nhiều điều.
Dịp tết này, tôi đã quyết định đi chợ quê thay vì siêu thị gần nhà và tôi rút ra nhiều bài học cho mình. Tôi xin chia sẻ cùng tất cả mọi người dịp xuân năm mới.
Con gà tươi sống- mắt thấy, tay sờ được để biết món đồ mình mua thế nào tất nhiên là điểm cộng thứ nhất chợ truyền thống.
Bà bán gà hỏi tôi: em có ăn lòng, tiết gà không? Chị để vào túi cho em nhé. Điểm cộng thứ hai. Mua gà ở siêu thị, hiếm khi tôi được hưởng bộ lòng.
Tưởng câu chuyện đến đây là hết nhưng không. Tay làm gà, miệng bà bán gà vẫn liên tục tán chuyện. Con gà này mà luộc lên thì ngon phải biết. Em luộc thì nhớ kiếm ít lá chanh ăn cùng cho nó dậy mùi. Thịt gà phải có lá chanh mới ngon.
Tất nhiên, tôi biết thịt gà phải có lá chanh mới ngon. Chỉ có điều kiếm ở đâu. Thường thì, đi mua gà sẽ chỉ là mua gà, người nội trợ mười người thì chắc chỉ vài người nhớ kiếm lá chanh. Mua gà ở siêu thị thì lá chanh lại càng khó. Tôi cảm ơn bà bán gà rối rít vì đã nhắc cho tôi nhớ kẻo về nhà lại phải đi kiếm lá chanh. Hỏi chị có không, cho em xin ít lá. Chị bảo không.
Nghỉ một chút, đến khâu làm lòng, bà bán gà lại “tán”: “Bộ lòng này mà xào hành tây thì tuyệt. À, nếu không ăn hết một bữa thì em bảo chị, chị cắt đôi cho. Nửa trưa luộc, nửa chiều nướng, lòng mề thì đem xào hành tây hay cần tây. Mà nướng thì em nhớ mua ít sả, rau húng. Ngon lắm”.
Lúc đó, tôi nghĩ bà bán gà thật là chu đáo. Tôi cảm ơn bà bán gà và hỏi: lá chanh thì chợ này bán ở đâu chị nhỉ? Em ít thấy hàng bán.
Bà bán gà chỉ sang hàng bên. "Em sang hàng bên ấy, lá chanh, sả, ngải cứu, cần tây... loại gì cũng có. E muốn chế biến món gì thì tìm đủ gia vị cho ngon. Con gà này ngon lắm, khéo nấu ăn cả mấy ngày tết cũng chẳng chán.
Tất nhiên, tôi nhìn sang hàng bên theo tay chỉ của bà bán gà. Sạp không người bán. Nói sạp thì hơi quá, là mẹt nhỏ.
Trước khi tôi kịp phản ánh sạp không người thì bà bán gà lại đã đon đả: con bé này đi đâu không biết. Để chị bán hộ nó. Em mua gì?
Và tôi mua. Tổng những thứ lặt vặt "cho món gà thơm ngon" lên đến 35.000 đồng, xấp xỉ 15% tiền gà.
Tôi biết bạn nghĩ gì. Là người mua hàng, tôi không nhanh chóng nhận ra điều mà những người ngồi đây đọc kịp nhận ra. Vài lần mua và cảm ơn trời vì sự tiện dụng, tôi nhận ra rằng cái mẹt nhỏ cho món gà thơm ngon ấy luôn không có chủ và bà bán gà là người "bán giúp".
Tôi không trách gì bà bán gà vì đơn giản, cần thì tôi phải mua. Có ngay tại chỗ càng đỡ mất công tìm kiếm. Chỉ có điều, khi ngồi nghĩ lại tôi mới thấy bài học kinh doanh rút ra thật thấm thía.
- Phải nhìn thấy nhu cầu của người dùng. Bà bán gà hiểu rõ món gà bà cung cấp sẽ không thể ngon nếu không có những gia vị, món đi kèm “cho món gà thơm ngon”.
-Khi tạo ra được nhu cầu của khách hàng, hãy cố để khách hàng rút ví càng nhiều càng tốt. Người bán hàng thông thường chỉ có thể bán lá chanh còn bà bán gà này bằng cách “tán chuyện” chia đôi con gà làm 2 bữa và món phụ đã bán thêm được nào hành tây, lá húng, sả, ngại cứu…
-Lá chanh không phải thứ đắt tiền, nhiều bà bán gà cho không lá chanh như thứ “khuyến mại” đi kèm gà nhưng bà bán gà này “có mà nói không”, mục đích để bán những thứ khác và lá chanh có thể là thứ “khuyến mại” đi kèm những thứ bà bán được về sau.
-Đừng quên, khách hàng khi đã rút ví cho món đồ to thì khi mua món đồ nhỏ hơn, họ luôn đòi hỏi được giảm giá. Nếu bà bán gà không ở vai trò “người bán hộ” thì những món rau gia vị “để món gà thơm ngon” có thể bị trả giá rất rẻ hoặc người dùng xin “khuyến mại”. Cách đây không lâu, tôi có vào một cửa hiệu mua quần áo thời trang, ở đấy có nhiều mẫu áo đẹp và tất nhiên, phụ kiện treo lủng lẳng trên áo cũng rất đẹp nhưng người bán quần áo không bán. Họ nói rằng những thứ phụ kiện đó họ phải mua ở hàng ngay sát cạnh để trang trí cho đẹp.