Tại Hội nghị thường niên Thị trường bảo hiểm năm 2015, tuyên truyền về bảo hiểm đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lựa chọn là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu.
Trên cơ sở đó, năm 2016, toàn thị trường bảo hiểm (bao gồm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) đã ra sức tìm kiếm những giải pháp truyền thông, quảng bá cụ thể thông qua việc tập trung vào xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm.
Toàn ngành bảo hiểm cũng coi truyền thông bảo hiểm như một việc làm cần thiết hướng tới việc thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đề ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng cao, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò của bảo hiểm đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tư hơn cho truyền thông quảng bá về bảo hiểm
Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, năm qua, dưới sự điều phối của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), Ban quản lý dự án tuyên truyền bảo hiểm nhân thọ 2016 đã được thành lập, thu hút sự tham gia của mọi doanh nghiệp bảo hiểm thuộc khối này đóng góp chi phí theo tỷ lệ doanh thu khai thác mới, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho mảng bảo hiểm trong thời gian tới.
Cụ thể, Công ty PPR Việt Nam đã trúng thầu và trở thành đơn vị cung cấp các dịch vụ truyền thông cho dự án tuyên truyền “Bảo hiểm nhân thọ với cuộc sống” của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, với tổng chi phí hơn 2,1 tỷ đồng.
Theo tinh thần cuộc họp Ban Tuyên truyền ngày 23/6/2016, thành viên Ban Tuyên truyền đã tiến hành biểu quyết và lựa chọn dựa trên ý kiến đa số. Kết quả thống nhất lựa chọn tên miền có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ. Nhưng do các tên miền như "bảo hiểm nhân thọ", "bảo hiểm cuộc sống", "bảo hiểm nhân thọ và cuộc sống" với các đuôi cơ bản đã có người đăng ký, nên việc lựa chọn tên miền có chữ bảo hiểm nhân thọ không còn khả thi. Vì vậy, Ban quản lý dự án đã thống nhất lựa chọn tên miền website là baovecuocsong.com.vn (bảo vệ cuộc sống) đảm bảo được yếu tố ngắn gọn và mang nội dung ý nghĩa của bảo hiểm.
Đến nay, công tác tuyên truyền đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng lên kế hoạch tuyên truyền về ý nghĩa bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Doanh nghiệp lớn chiếm ưu thế
Còn ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, năm qua, toàn ngành đã lên kế hoạch tập trung vào các nội dung tuyên truyền về bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm khai thác thủy sản xa bờ theo Nghị định 67, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai…
Cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền về thị trường bảo hiểm, định hướng phát triển thị trường, hoàn thành kế hoạch 2011- 2015 theo Quyết định của Bộ Tài chính, triển khai kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hoàn thành chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó là tuyên truyền về hình thức thu hút vốn trung dài hạn đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, tội danh gian lận trục lợi bảo hiểm. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tuyên truyền thông qua các sự kiện do doanh nghiệp tổ chức; phát triển sản phẩm bảo hiểm, mở rộng kênh phân phối, nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ tiện ích cho khách hàng.
Truyền thông trong lĩnh vực bảo hiểm đang được đẩy mạnh như một nhu cầu cấp thiết, do nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, trong khi thị trường biến chuyển ngày một nhanh cả về quy mô lẫn số lượng các sản phẩm mới. Trong đó, các doanh nghiệp lớn cũng nổi lên ở vị trí đi đầu trong hoạt động truyền thông.
Ngoài truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho doanh nghiệp mình, các doanh nghiệp lớn còn phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xây dựng các chương trình tuyên truyền về bảo hiểm khai thác thủy sản xa bờ theo Nghị định 67.
Có thể lấy ví dụ Tập đoàn Bảo Việt cùng với công ty thành viên của mình là Bảo Việt Nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã tập trung đầu tư nhiều hơn cho chiến lược khuyếch trương thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm thông qua nhiều kênh khác nhau; Prudential phối hợp với Đầu tư Chứng khoán trong dự án giáo dục người tham gia bảo hiểm nhằm nâng cao nhận thức…
Theo lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt, việc tuyên truyền về bảo hiểm không chỉ có lợi cho thị trường mà còn cho chính bản thân doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn có lợi thế về tiềm lực tài chính, có sản phẩm đa dạng càng cần tổ chức các chương trình truyền thông chuyên nghiệp, tới đúng đối tượng khách hàng tiềm năng và quảng đại quần chúng.
Mới đây nhất, thị trường đã chứng kiến chương trình khuyến mại chưa từng có trên thị trường của Tập đoàn Bảo Việt là Bảo Việt Mega Sale “Xuân gắn kết - Tết tri ân” với tổng giá trị giải thưởng lên tới 5 tỷ đồng.
Không tính tới giá trị giải thưởng lớn, đây cũng là lần đầu tiên một chương trình tích hợp nhiều sản phẩm được thực hiện bằng một chiến lược marketing, truyền thông rộng khắp, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới với nhiều quyền lợi tích hợp, lợi ích vượt trội.
Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với những tờ báo mạnh
Trên bình diện chung của toàn thị trường, có thể khẳng định, các sản phẩm mới được ra mắt với tần suất lớn ở cả 2 khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, cùng với việc phát triển các kênh phân phối mới, dịch vụ mới, không thể không tuyên truyền để người dân hiểu nếu muốn bán chạy sản phẩm.
Chưa có một số liệu thống kê chính thức về việc năm qua toàn ngành đã chi bao nhiêu ngân sách cho tuyên truyền bảo hiểm vì mỗi doanh nghiệp đều thực hiện các hoạt động đầu tư đơn lẻ và đôi khi không muốn chia sẻ chi tiết.
Trong nhiều phương thức tuyên truyền thì truyền thông qua báo chí vẫn được xem như một kênh không thể thiếu. Năm qua, Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm đã lựa chọn nhiều đầu báo, các kênh truyền thông để nâng cao nhận thức về lĩnh vực bảo hiểm tới người dân. Các quỹ đào tạo tại từng doanh nghiệp đã được lập, các hoạt động tài trợ tiền tỷ kết hợp đào tạo và bán hàng cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều, giúp cho xã hội có cái nhìn rõ nét hơn về ngành bảo hiểm.
Tốc độ tăng trưởng ngành bảo hiểm trên 20% năm vừa qua có phần đóng góp không nhỏ từ hoạt động đào tạo, tuyên truyền.
Tất nhiên, để "bảo hiểm phản ánh trình độ văn minh" như câu nói hàng trăm năm qua trong ngành bảo hiểm thì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp còn nhiều điều phải làm. Vẫn còn có những cách hiểu nhầm lẫn giữa các sản phẩm rất phổ thông như bảo hiểm thân thể học sinh (với bảo hiểm xã hội), chưa phân biệt được bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm tích lũy của ngân hàng, thậm chí còn không hiểu rõ thế nào là nhân thọ và thế nào là phi nhân thọ,…
Có ý kiến cho rằng, ngoài tuyên truyền về vai trò của bảo hiểm, các đặc tính của sản phẩm bảo hiểm thì còn cần có sự tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động bảo hiểm tới kinh tế - xã hội. Những chỉ tiêu như mức độ tăng trưởng của ngành, số tiền bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế, quỹ bảo vệ người được bảo hiểm,... cũng cần có sự tuyên truyền rộng rãi vì điều này sẽ giúp người dân hiểu rằng, họ mua bảo hiểm không chỉ để bảo vệ khi rủi ro xảy ra, mà còn có sự yên tâm vì đồng tiền đóng phí được đảm bảo, vì việc mua bảo hiểm là góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Ở góc độ đó, trong năm 2016 này, có nhiều con số rất ý nghĩa mà ngành bảo hiểm làm được như số tiền chi trả/bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm ước lên tới gần 27.000 tỷ đồng, tức là có hàng vạn gia đình được bảo vệ khi rủi ro bất ngờ xảy ra; hơn 185.000 tỷ đồng được đầu tư trở lại nền kinh tế...
Để điều này thẩm thấu sâu và rộng rãi, cần những chương trình truyền thông hoành tráng, nhưng cũng cần những chương trình nhân bản và lâu dài. Những tờ báo có chuyên môn sâu về lĩnh vực bảo hiểm, có bạn đọc rộng khắp như Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán, các kênh truyền hình… cần được tận dụng tốt hơn nữa trong công tác tuyên truyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét