chia sẻ

Bảo hiểm trực tuyến: Triển vọng nguồn thu lớn

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 4 tỷ USD và hàng ngày có khoảng 41% người dùng Internet để tìm kiếm thông tin mua hàng. Ứng dụng thương mại điện tử đã trở thành một trào lưu trong cộng đồng, cuốn theo các ngành hàng nhập cuộc, trong đó có bảo hiểm.
Năm 2016, Bảo hiểm Bảo Việt đã chính thức gia nhập "cuộc chơi" trực tuyến. Ảnh: Dũng MinhNăm 2016, Bảo hiểm Bảo Việt đã chính thức gia nhập "cuộc chơi" trực tuyến. Ảnh: Dũng Minh

Hiện tại phải khuyến mại

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã có 8 công ty triển khai việc bán hàng trực tuyến đối với các sản phẩm bán lẻ và gần 20 trang bán bảo hiểm trực tuyến. Các trang bán bảo hiểm trực tuyến được tích hợp các công cụ tiện ích cho khách hàng như: công thức tính phí bảo hiểm, cho phép khách hàng so sánh các sản phẩm bảo hiểm cùng loại trên thị trường, kết nối với các cổng thanh toán điện tử và cho phép khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán theo nhu cầu… 

Một số doanh nghiệp như Liberty, BIC, PTI thậm chí đã phát triển ứng dụng bán bảo hiểm trên điện thoại di động. Nhiều doanh nghiệp cũng đã triển khai chữ ký số và chứng nhận bảo hiểm điện tử, đảm bảo các giao dịch mua hàng trên mạng hoàn toàn online.

Cơ hội rộng mở, nhưng kênh bán hàng này hiện vẫn đang ở dạng tiềm năng, đóng góp chưa tới 1% trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm. Bản thân nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn loay hoay tìm hướng khai thác hiệu quả. Một số doanh nghiệp phải thường xuyên triển khai khuyến mại, tặng quà cho khách hàng trên kênh trực tuyến để duy trì sức hấp dẫn, hoặc cam kết phí ưu đãi từ 10% so với các kênh bán hàng khác, mới đủ sức lôi kéo khách hàng. 

Thực tế, việc triển khai khuyến mại, giảm phí liên tục qua kênh trực tuyến đã và đang gây xung đột với nhiều kênh bán hàng khác, đôi lúc làm chính khách hàng cảm thấy khó hiểu và phiền toái. Mặt khác, do tính chất trực tuyến, nên chỉ hiệu quả với các sản phẩm đơn giản, không cần tư vấn như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tai nạn con người…, do đó, việc mở rộng sản phẩm qua kênh này cũng gặp nhiều khó khăn. Về phía khách hàng, thói quen và hành vi mua sắm vẫn là một rào cản lớn. 

Chính những hạn chế trên khiến quy mô doanh thu của kênh bán bảo hiểm trực tuyến hiện quá nhỏ. Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ, quy mô của kênh trực tuyến quá nhỏ đôi lúc khiến chính các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bối rối về việc có nên đầu tư nhiều hơn cho kênh này, hay để nó tự vận hành và phục vụ mục đích quảng cáo là chính. 

Tương lai là nguồn thu lớn

Thực tế cho thấy, việc triển khai kênh bán hàng trực tuyến, bên cạnh ý nghĩa đón đầu trào lưu, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, đây là một hướng đi hiệu quả khi muốn mở rộng bán lẻ. Theo thống kê, 45% dân số Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày, trong đó 62% dùng Internet để giao dịch trực tuyến. Bên cạnh mua sắm các mặt hàng phổ biến như quần áo, mỹ phẩm, công nghệ…, thì các sản phẩm ngân hàng, tài chính đang dần dần được khách hàng quan tâm và có nhu cầu cao. 

So với các kênh truyền thống, việc mua bảo hiểm trực tuyến mang lại cho khách hàng sự chủ động và linh hoạt. Khách hàng chỉ cần truy cập trang web, chọn sản phẩm và xem báo giá ngay trên website, thanh toán phí bảo hiểm và nhận chứng nhận điện tử qua email vài phút sau đó. Còn với công ty bảo hiểm, chi phí cho kênh bán hàng trực tuyến rất thấp do không mất chi phí hoa hồng đại lý, chi phí hành chính được giảm thiểu. 

Mặt khác, doanh thu của một số doanh nghiệp qua kênh bảo hiểm trực tuyến hiện đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, từ 20 - 30%/năm. Liberty, công ty triển khai bảo hiểm trực tuyến mạnh nhất cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ kênh bảo hiểm trực tuyến và điện thoại mang lại 15% doanh thu hàng tháng. Còn BIC, sau nhiều năm triển khai, doanh thu qua kênh trực tuyến luôn tăng khoảng 30% mỗi năm.

Theo các chuyên gia, với một kênh bán hàng có chi phí đầu tư, chi phí vận hành thấp, tốc độ tăng trưởng từ 20 - 30%/năm là một con số lý tưởng. Kênh trực tuyến trong tương lai chắc chắn sẽ là một nguồn thu quan trọng và ngày càng lớn của doanh nghiệp bảo hiểm. Đây là lý do khiến nhiều công ty bảo hiểm không thể đứng ngoài cuộc. Năm 2016, Bảo hiểm Bảo Việt chính thức gia nhập "cuộc chơi" trực tuyến; Bảo hiểm Vietinbank, ABIC... cũng đang chuẩn bị nguồn lực cần thiết để ra mắt trang bán trực tuyến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm