Khi dịch vụ giao hàng tạp hóa AmazonFresh của Amazon.com đang cần tìm kiếm đội ngũ lãnh đạo để triển khai thì Jeff Bezos, người sáng lập kiêm CEO công ty, đã đưa ra một quyết định vô cùng đáng ngạc nhiên: ông không hề chọn người từng thành công trong lĩnh vực siêu thị hay chuyển phát mà chọn một người từng thất bại be bét trong mọi vụ làm ăn.
Jeff Bezos, người sáng lập kiêm CEO Amazon. |
Từ thủa Amazon mới chào đời, Bezos chỉ muốn tuyển những người "từng thành công trên mọi phương diện". Nhưng trong quá trình xây dựng công ty, suy nghĩ của Bezos thay đổi, ông chuyển sang tuyển những người từng gặp nhiều thất bại. Những lý do của nhà CEO lừng danh này cũng sẽ làm thay đổi lối suy nghĩ thông thường của bạn về việc tuyển dụng.
Không những thất bại mà còn thất bại thảm hại
Webvan là công ty chuyển phát hàng tạp hóa và từng ngừng hoạt động trong thời gian đầu những năm bong bóng dot-com. Họ không chỉ thất bại mà còn thất bại thảm hại bởi những sai lầm toàn tập trong chiến lược.
Webvan từng huy động 375 triệu USD tiền vốn, mở rộng tới 26 thành phố, ký hợp đồng 1 tỷ USD để xây dựng hệ thống nhà kho công nghệ cao thế nhưng cái quan trọng nhất là mô hình kinh doanh thì lại chưa có.
Ngày nay, các công ty như FreshDirect, Uber và Postmates đã thành công với mô hình hoàn toàn trái ngược, họ xây dựng chắc ăn tại một thành phố rồi mới tiến hành mở rộng.
Ấy thế mà Bezos lại thuê cựu quản lý của Webvan về điều hành AmazonFresh! Vị CEO "kỳ quặc" này không chỉ chọn người thất bại mà thất bại ấy phải thật đau đớn! Chính vì từng bị "đòn đau" nên họ đã rút ra được những bài học thấm thía nhớ đời.
Sau này, đội ngũ quản lý mới đã triển khai AmazonFresh một cách từ từ ở Seattle rồi mới mở rộng. Họ không tự xây dựng nhà kho mà đã tận dụng nhà kho của Amazon.
Bezos và Google nghĩ gì về những người dám đột phá?
Tại Amazon, Bezos nhận ra rằng "thật bại là yếu tố không thể thiếu của phát minh, sáng tạo". Khi bạn đang kiến tạo, thất bại không phải là thứ có cũng được, không có cũng không sao, mà là một phần tất yếu khi bạn đang thử làm những gì chưa ai từng làm.
Thông thường, những người chưa từng thất bại là những người thường chọn con đường an toàn và chưa bao giờ dám đột phá. Hãy tuyển ngay những người từng thất bại, bây giờ họ thất bại to, về sau sẽ thành công lớn!
Gã khổng lồ Google cũng có những phát hiện tương tự và không còn xét tuyển dựa trên uy tín của bằng đại học nữa. Từng có một thời gian dài Google là nơi mà những người không tốt nghiệp ở Stanford hay MIT đừng hòng mơ tưởng tới. Công ty không chỉ đòi hỏi điểm phẩy mà còn cả điểm SAT.
Nhưng sau khi phân tích hàng tệp dữ liệu để tìm ra yếu tố giúp nhân viên Google thành công, họ thấy rằng điểm phẩy và điểm SAT chẳng có ý nghĩa gì hết. Prasad Setty, đến từ phòng phân tích con người, nhận định: "Số má, điểm chắc không phải là yếu tố chứng minh cho thành công ở Google và từ lâu đã không còn là tiêu chí tuyển dụng quan trọng nữa".
Thay vào đó, dựa trên các cuộc khảo sát rộng lớn, Google khám phá ra rằng những nhân viên sáng tạo nhất là những người có ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh công việc và có quyền tự chủ cá nhân hơn nhiều.
Vậy, nếu bạn đang cần tuyển người để làm gì đó đột phá, hãy tạm "dẹp" những bộ hồ sơ hào nhoáng và tìm kiếm ai đó từng thất bại. Bởi đó không phải những người luôn lo lắng không biết người khác có đánh giá cao về mình hay không, mà là những người dám thử, dám vấp ngã, và dám thử lại cho đến khi nào thành công.
Theo Tri thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét