Theo Daniel Pink, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Động lực 3.0” – Sự thật kinh ngạc về những động cơ thúc đẩy chúng ta hành động, có 3 yếu tố tạo ra động lực thực sự, đó là:
– Quyền tự trị (Tính tự chủ): Khao khát được làm chủ cuộc sống của chính mình.
– Sự hoàn thiện (Làm chủ): Niềm thôi thúc không ngừng hoàn thiện và bổ sung kiến thức về các vấn đề bất kỳ.
– Mục đích: Khao khát được cống hiến không vì bản thân mình.
Trong buổi trò chuyện với Fast Company, Pink cho biết: ” Động lực tốt nhất thúc đẩy chúng ta làm việc hàng ngày chính là sự tiến bộ trong công việc. Những ngày chúng ta cảm thấy mình đang tiến bộ lên cũng là lúc chúng ta thấy mình làm việc hăng hái nhất”. Và dưới đây là phân tích của Pink:
1. Cảm thấy tiến bộ trong công việc
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua những ngày quay cuồng giữa đống email, công việc hay họp hành liên miên, nhưng trên thực tế đó lại là chất xúc tác giúp thúc đẩy quá trình tiến bộ của bạn.
“Vào những ngày khi bạn ý thức được rằng mình đang tạo ra bước tiến lớn trong nghề nghiệp hoặc khi nhận được sự ủng hộ của ai đó giúp mình vượt qua khó khăn thì hầu như lúc đó bạn sẽ cảm thấy tích cực, và động lực đó thúc đẩy bạn tiến tới thành công”, nhà nghiên cứuTeresa Amabile chia sẻ trên Harvard Business Review.
Nói cách khác, dù những thứ bạn làm được ở hiện tại thật sự không nhiều như bạn tưởng nhưng chúng lại giúp bạn cảm thấy tích cực. Trong nghiên cứu của mình, Amabile đã phân tích gần 12.000 đoạn nhật ký hàng ngày được ghi lại bởi những người tham gia khảo sát về cảm xúc và sự tích cực của họ.
Bà nhận ra, sự tiến bộ trong công việc thường đem đến những suy nghĩ tích cực từ đó tạo động lực thúc đẩy mọi người làm việc tốt hơn so với tất thảy những sự kiện khác diễn ra trong ngày.
2. Viết “nhật ký tiến bộ” mỗi ngày
Ở đây, chúng ta không bàn đến những suy nghĩ huyễn hoặc mà bạn tự lừa dối mình, nhưng bạn cũng nên để bản thân hiểu hơn về những thành quả mà bạn đã đạt được chứ không phải chỉ biết tự trách móc vì những thứ chưa làm.
Để làm được việc đó, Pink đề nghị mọi người nên đánh giá hiệu suất công việc của bản thân bằng cách tạo ra “nhật ký tiến bộ” hàng ngày. Cụ thể, vào cuối ngày, trước khi từ sở làm về nhà, bạn hãy nán lại một phút để ghi lại những công việc mà bạn đã làm được trong ngày hôm đó. “Chúng ta đã tiến bộ hơn mình nghĩ rất nhiều mặc dù điều đó không dễ dàng nhận thấy”, Pink chia sẻ.
Bằng cách trên, bạn đã để bản thân tập trung vào mục tiêu tiến bộ – thứ sẽ giúp bạn giữ được động lực thúc đẩy bạn hướng về phía trước. “Mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi dành thời gian viết ra 3 điều tốt đẹp xảy đến với họ ngày hôm đó thay vì phàn nàn những thứ họ chưa hoàn thành”, Pink nói.
3. Coi trọng những thành công nhỏ
Điều đó đồng nghĩa với việc bạn cần sắp xếp lại những thứ bạn cho là “tiến bộ”. Thay vì liên tục tập trung vào việc bản thân đã tiến xa tới đâu thì hãy chú ý đến những bước tiến giúp cho bạn đi đúng hướng ngay cả khi chúng không thực sự nổi bật.
“Tôi phát hiện ra có nhiều lúc mình cảm thấy nản lòng nhưng nhờ đó mới biết mình có khả năng làm được nhiều thứ hơn mình nghĩ”, ông chia sẻ.
Ngoài ra, bạn nên dành thời gian tự hỏi bản thân mình những câu hỏi: “Hôm nay mình đã giải quyết được vấn đề gì?”, hay “Mình đã mở rộng được mối quan hệ tới đâu?”… Hãy từ từ tiến từng bước nhỏ đến gần mục tiêu tưởng chừng không đạt được.
“Những thành công nhỏ sẽ tạo nên một thành công lớn”, Pink nói.
4. Để người khác đánh giá hiệu suất công việc
Khả năng chịu trách nhiệm và hành vi củng cố tích cực (positive reinforcement) là những yếu tố quan trọng hình thành nên cảm xúc tích cực tại nơi làm việc. Nhưng bạn cũng không cần phải chờ đợi sếp đi tới đi lui kiểm tra mức độ chăm chỉ làm việc, hay nhận được những nhận xét tích cực về mình mới cảm thấy có động lực làm việc.
Thay vào đó, Pink đề nghị mỗi tháng hãy thử tập hợp một nhóm nhỏ đồng nghiệp trong phòng hoặc trong mạng lưới làm việc lại với nhau để đánh giá hiệu suất công việc của mỗi người. Mọi người cũng có thể đặt ra một mục tiêu trong buổi họp và báo cáo tiến độ hoàn thành chúng trong buổi họp kế tiếp.
Điều này không chỉ giúp bạn tạo ra một cộng đồng có trách nhiệm mà còn cung cấp cho bạn những thông tin phản hồi cũng như lời khuyên từ phía các đồng nghiệp.
5. Tạo ra thử thách mới
Không gì có thể làm bạn mất động lực nhanh hơn cảm giác lặp đi lặp lại công việc nhàm chán mỗi ngày. “Nếu một người làm việc gì đó thực sự tốt, rất có thể họ sẽ được yêu cầu tiếp tục chúng”, Pink cho biết.
Điều bạn cần làm lúc này là tìm cách “làm mới”, biến công việc tẻ nhạt thường ngày trở nên thú vị. Ví dụ, nếu bạn là người làm việc tự do, hãy thử chấp nhận một dự án mới mẻ nào đó, có thể giá của chúng sẽ rẻ hơn so với công việc lúc trước của bạn, nhưng bù lại bạn sẽ có cơ hội học hỏi thêm kiến thức mới.
Một cách khác để biến công việc bình thường trở nên thử thách hơn, đó là thay đổi yêu cầu đối với chúng. Khi Pink viết một dự án giống như cái ông từng làm nhiều lần lúc trước, ông cho biết đã thử thách bản thân bằng cách đẩy nhanh tốc độ làm việc lên để xem mình có thể hoàn thành nó nhanh nhất trong bao lâu.
6. Hỏi “tại sao” thay vì “như thế nào”
Mục đích là một trong những yếu tố cơ bản tạo động lực thúc đẩy con người làm việc. Và chìa khóa để bạn nhận biết được mục đích của mình chính là đừng chỉ chăm chăm vào những trở ngại của dự án mà quên đi lý do vì sao bạn lại làm công việc này. “Khi mọi người biết lý do (tại sao) họ phải làm việc, họ trở nên thấy tốt hơn và nhiệt tình với công việc hơn”, Pink lý giải.
Đồng thời, nếu bạn liên tục đưa ra câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi tại sao, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nên nghĩ đến một lựa chọn nghề nghiệp khác.
Theo ông, hầu như ai cũng cho rằng sự nhàm chán của công việc nằm ở thời gian. Nhưng nếu câu trả lời của bạn cứ mãi như thế trong thời gian dài thì đó là dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ rằng bạn nên bắt đầu một công việc khác.
st.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét