Bảo hiểm nhân thọ chính thức được triển khai tại Việt Nam từ năm 1996, qua 18 năm hoạt động, tổng thu phí bảo hiểm toàn ngành chỉ đạt khoảng trên dưới 1% GDP, con số còn rất thấp so với nhiều nước khác trong khu vực. Hiện có 17 công ty Bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại Việt Nam, tiềm năng thị trường được đánh giá là rất lớn.
Tăng trưởng cao nhưng...
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa tham gia Bảo hiểm Nhân thọ, trong đó phải kể đến tâm lý người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, khi nghĩ rằng mua bảo hiểm là mua điều xui xẻo; thời gian tham gia bảo hiểm dài quá, lãi suất chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, có nhiều thông tin cho rằng bảo hiểm nhân thọ tham gia thì dễ, lúc lãnh tiền thì khó...
Tâm lý người Việt Nam vẫn e ngại Bảo hiểm Nhân thọ
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng hợp đồng bảo hiểm nhiêu khê và trong hợp đồng còn có những điều khoản gây bất lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc bỏ bê, thiếu quan tâm chăm sóc khách hàng sau khi ký hợp đồng cũng là lý do khiến người dân chưa mặn mà với Bảo hiểm Nhân thọ.
“Tôi mua 1 bảo hiểm bệnh viện ở nước ngoài với mức phí 20 triệu đồng/năm, khi đi khám bệnh, tôi được chăm sóc theo dõi bệnh và được giải thích là bệnh của tôi sẽ được bảo hiểm chăm sóc trong hạn mức tôi đã mua; nếu là bệnh ngoài hạn mức thì tôi phải bỏ tiền chữa trị. Còn tại Việt Nam, hễ ký hợp đồng xong nghĩa là xong, không được chăm sóc ngó ngàng gì tới” - ông Hậu dẫn chứng.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính, thị trường Bảo hiểm Nhân thọ đang phát triển chiều rộng chứ chưa phát triển chiều sâu, đa số khách hàng chưa thấu hiểu lợi ích thiết thực từ việc tham gia Bảo hiểm Nhân thọ. Cạnh tranh trên thị trường Bảo hiểm Nhân thọ rất gay gắt nhưng chủ yếu các doanh nghiệp (DN) chạy đua quảng bá thương hiệu, đội ngũ tư vấn bán hàng chứ chưa có những đột phá về thông tin sản phẩm. Hiện dân trí người Việt chưa cao, nhiều người bị ngộp trước mê hồn trận câu chữ, chi tiết và những thuật ngữ chuyên ngành trong hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ.
Song song đó, nhân viên tư vấn cũng là đại lý bán hàng, giải thích không thấu đáo, cốt để bán hàng; người mua không có thói quen đọc hợp đồng trước khi ký nên dẫn đến hậu quả là khi có sự cố xảy ra, khách hàng không được giải quyết bảo hiểm và hụt hẫng. Vậy nên, các công ty bảo hiểm cần soạn lại hợp đồng theo hướng đơn giản hơn.
Hoàn thiện khung pháp lý
Khung pháp lý ở Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nay đã tương đối đầy đủ và dần hoàn thiện, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi khách hàng và tạo thuận lợi cho DN Bảo hiểm Nhân thọ hoạt động. Đang có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào luật hình sự tội danh liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Điều đó sẽ giúp kích thích hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển tốt hơn, chúng ta sẽ nhận diện những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật để tách ra khỏi những khách hàng bình thường, đẩy mạnh dịch vụ cho những khách hàng thật sự. Có như vậy mới tạo thêm sự tin tưởng nơi người dân để từ đó, số người tham gia bảo hiểm ngày càng nhiều, đưa thị trường Bảo hiểm Nhân thọ tăng trưởng tích cực, lành mạnh.
Bảo hiểm Nhân thọ ở Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn mới
Bảo hiểm Nhân thọ ở Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn mới và người dân đã có cái nhìn bình tĩnh, rõ ràng hơn về loại hình này. Trả lời câu hỏi “Cần làm gì để người dân đến với Bảo hiểm Nhân thọ nhiều hơn?”, ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Bộ môn Bảo hiểm Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng điều quan trọng đầu tiên là người dân phải nắm những kiến thức cơ bản về bảo hiểm và có hiểu biết về pháp luật liên quan đến hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ.
Về phía mình, các DN Bảo hiểm Nhân thọ là người soạn thảo hợp đồng, khi giới thiệu, chào bán thì đại lý bảo hiểm nhân thọ - phải giải thích rõ ràng, trung thực và đầy đủ cho khách hàng. Người dân khi mua bảo hiểm cũng cần phải đọc kỹ, tìm hiểu kỹ hợp đồng, nếu còn điều gì chưa rõ thì phải yêu cầu DN Bảo hiểm Nhân thọ giải thích trước khi đặt bút ký, có như vậy mới có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhà nước phải có cơ chế quản lý tạo thuận lợi cho DN Bảo hiểm Nhân thọ phát triển:
Thứ nhất, phải bảo vệ người được bảo hiểm để họ có niềm tin vào DN bảo hiểm. DN BHNT phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ sản phẩm Bảo hiểm Nhân thọ, tạo niềm tin cho khách hàng rằng những hợp đồng này đã được kiểm soát chặt chẽ, DN không thể lừa khách hàng được.
Thứ hai, Bộ Tài chính đã hình thành xong quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, giao cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý, sẵn sàng chi trả quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm nếu một DN bảo hiểm nào gặp nguy cơ mất khả năng thanh toán nhằm tạo niềm tin cho người tham gia bảo hiểm.
Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi cho DN bảo hiểm kinh doanh, làm sao không còn việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét