chia sẻ

TPP có làm thị phần bảo hiểm teo lại?

Theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các cá nhân và tổ chức trong nước có thể sử dụng các dịch vụ bảo hiểm do các công ty nước ngoài cung cấp qua biên giới. Điều này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ mất thị phần của nhà bảo hiểm trong nước.
TPP có làm thị phần bảo hiểm teo lại?

Cá nhân, doanh nghiệp trong nước có thể mua bảo hiểm qua biên giới

Tại Hội thảo "Cơ hội, thách thức của TPP và các FTAs thế hệ mới đối với ngành bảo hiểm Việt Nam" do VCCI phối hợp với Đại học Ngoại thương, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 5, TS. Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương phân tích, khi thực thi các cam kết về dịch vụ tài chính của TPP (Chương 110), các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với 3 loại hình rủi ro liên quan đến việc mất thị phần. 

Thứ nhất, rủi ro liên quan đến các cam kết về mở cửa thị trường; thứ hai, rủi ro liên quan đến việc khách hàng mua thẳng bảo hiểm của các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới không cần hiện diện thương mại tại Việt Nam; thứ ba, rủi ro về việc cung ứng các dịch vụ bảo hiểm mới.

"Khi TPP có hiệu lực, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mất thị phần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài" - TS. Nguyễn Bình Minh.

Cụ thể, với quy định tại Điều 11.6 của TPP, các cá nhân sinh sống tại Việt Nam và doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có thể sử dụng các dịch vụ bảo hiểm do các công ty nước ngoài cung cấp qua biên giới. Điều này có thể được áp dụng triệt để với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia thành viên TPP theo hướng ưu tiên mua bảo hiểm từ các nhà cung cấp bảo hiểm tại nước họ cho nhà xưởng hay liên quan đến các hoạt động kinh doanh của họ. 

“Các cam kết của TPP chủ yếu liên quan đến dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, mà ở đó thị phần của khối doanh nghiệp ngoại đang thấp hơn doanh nghiệp của Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mất thị phần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Minh nhận định.

Theo một số chuyên gia, rủi ro mất thị phần với doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trong nước là hiện hữu và đáng lo ngại là các doanh nghiệp lại không có đầy đủ thông tin về đối thủ như họ là ai, đang bán sản phẩm bảo hiểm gì, vũ khí cạnh tranh ra sao (đơn bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phí bảo hiểm). 

Cùng chung nhận định này, tại một cuộc hội thảo cùng chủ đề tổ chức tại TP. HCM gần đây, một chuyên gia cũng cho rằng: “Doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh không cân sức, bởi phải đóng thuế cho ngân sách nhà nước như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế sử dụng đất… để hoạt động kinh doanh có doanh thu từ Việt Nam. Trong khi đó, đối thủ không bị đóng góp các khoản thuế trên”. 

… nhưng không đáng ngại

Tuy nhiên, bên cạnh các lo ngại mất thị trường, một số ý kiến nêu ra tại Hội thảo cho rằng, vẫn có những rào cản để việc bán bảo hiểm xuyên biên giới có thể thực hiện được. Theo cam kết của TPP (tại Điều 11.6), có 2 công cụ mà các nước tham gia TPP có thể sử dụng để hạn chế việc cung cấp các dịch vụ qua biên giới. Cụ thể, các nghĩa vụ được nêu tại Điều 11.6.2 không bao gồm việc cho phép các nhà cung ứng dịch vụ kinh doanh hoặc chào hàng trên lãnh thổ của mình. Điều này có nghĩa là việc Việt Nam không cho phép các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới kinh doanh hoặc chào hàng trên lãnh thổ Việt Nam là không vi phạm cam kết trong TPP.

“Nếu Việt Nam không cho phép các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm nước ngoài chào hàng tại Việt Nam thì việc người dân Việt Nam biết đến các dịch vụ bảo hiểm của các công ty nước ngoài đó sẽ gặp khó khăn, từ đó, có thể hạn chế việc sử dụng các dịch vụ này”, ông Minh nói.

Đó là chưa kể, theo quy định tại Điều 11.6.3 của cam kết TPP, một nước thành viên TPP có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới đăng ký hoặc cấp phép dịch vụ. Vì vậy, Việt Nam có thể sử dụng công cụ đăng ký hoặc cấp phép này để hạn chế việc cung cấp dịch vụ qua biên giới của các nhà bảo hiểm nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm