Nỗ lực làm mới mình
Nhận định được đưa ra từ nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới Swiss Re, trong bối cảnh hoạt động thương mại yếu, sự khôi phục hoạt động thương mại điện tử chậm và không ổn định, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia và Singapore khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.
Cơ hội từ TPP đối với ngành bảo hiểm được đánh giá là rất lớn, dự báo nhu cầu bảo hiểm sẽ tăng vọt khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh để hưởng chính sách thuế ưu đãi. Tuy nhiên, thách thức cũng lớn hơn rất nhiều với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, khi độ mở của thị trường rộng hơn.
Doanh nghiệp bảo hiểm trong khu vực ASEAN và từ các nước trong khối TPP sẽ xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam hoặc họ sẽ cung cấp sản phẩm qua biên giới. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm nội không còn cách nào khác ngoài tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh.
Ghi nhận từ ĐTCK, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nội đã và đang nỗ lực làm mới mình, tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành, phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối.
Hơn lúc nào hết, vấn đề hợp tác cùng cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về quy tắc điều khoản điều kiện biểu phí bảo hiểm tiêu chuẩn đánh giá rủi ro, quản trị điều hành được cơ quan quarản lý nhà nước đặt ra.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng được mô hình tổ chức hiện đại theo hệ thống KPIs nhằm kịp thời theo dõi, điều chỉnh các hoạt động quản lý và kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện, cũng như góp phần mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và cổ đông như Bảo hiểm PVI, MIC, Bảo Việt… Đáng chú ý, Tập đoàn Bảo Việt còn tiên phong trong việc thực hiện kiểm toán báo cáo phát triển bền vững.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác như Vinare, Bảo hiểm PVI cũng đã khẳng định năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế khi năm 2015 được A.M. Best thay đổi mức đánh giá triển vọng năng lực tín dụng của tổ chức phát hành (ICR) từ Ổn định (Stable) lên Tích cực (Positive).
Với Vinare, kết quả xếp hạng này sẽ mang lại cho Tổng công ty các lợi ích to lớn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược như mở rộng thị trường khai thác và trao đổi dịch vụ thông qua tái bảo hiểm một cách có hiệu quả, tăng cường doanh số, khả năng tiếp cận hiệu quả thị trường vốn, tăng cường khả năng thanh toán theo chuẩn mực quốc tế, tiếp nhận các kiến thức từ bên ngoài, đặc biệt là từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Mặc dù vậy, việc làm mới hình ảnh nhà bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp hóa, nhằm thích ứng với bối cảnh mới vẫn đang là thách thức không nhỏ với một số doanh nghiệp trong ngành.
Tạm khoan bàn đến những hạn chế liên quan đến hệ thống quản lý toàn thị trường bảo hiểm từ phía cơ quan quản lý cũng như AVI, nếu chỉ nhìn từ nội tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, có thể thấy, một số điểm hạn chế khó có thể cải thiện trong “một sớm một chiều”.
Hệ thống quản lý dữ liệu bảo hiểm của riêng từng DN cũng như toàn ngành bảo hiểm theo tìm hiểu của ĐTCK còn khá thủ công, chưa chuyên nghiệp. Ngay cả website, nơi mà các doanh nghiệp có thể “độc diễn” các thông tin về mình thì nội dung cũng khá sơ sài, kém ấn tượng. Trong khi lẽ ra đây chính là nơi thể hiện hình ảnh tổng thể của nhà bảo hiểm và là kênh thông tin hữu hiệu để các khách hàng tiềm năng vào tra cứu thông tin, quyết định mua bảo hiểm.
"Nhiều công ty bảo hiểm đưa tin như một nồi lẩu thập cẩm lên website, bội thực tin về các đoàn thể, xã hội, mời thầu, trong khi thông tin về hoạt động của chính doanh nghiệp như kết quả kinh doanh, sản phẩm thì trống trơn, thông tin mạng lưới rối rắm".
Giám đốc kinh doanh của một ngân hàng lớn có hợp tác bán bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp cho hay, trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết hợp tác, ông đã truy cập website của các doanh nghiệp này để tìm hiểu thêm thông tin về nhà bảo hiểm và cảm nhận chung là khá thất vọng. So với những “người anh em” hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán, có thể nói các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa theo kịp về việc đầu tư cho website doanh nghiệp.
“Nhiều công ty bảo hiểm đưa tin như một nồi lẩu thập cẩm lên website, bội thực tin về các đoàn thể, xã hội, mời thầu, trong khi thông tin về hoạt động của chính doanh nghiệp như kết quả kinh doanh, sản phẩm thì trống trơn, thông tin mạng lưới rối rắm”, vị giám đốc cho biết.
Thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) cũng như gia nhập TPP sắp cận kề, nhu cầu bảo hiểm như xe cơ giới, hàng hóa vận chuyển trong bối cảnh ngành nghề dệt may, giày da, giao thông vận tải, du lịch, nông nghiệp… dự báo sẽ tăng mạnh. Nếu tiếp tục thiếu đầu tư cho việc quảng bá hình ảnh như vậy, rất có thể, các nhà bảo hiểm sẽ lỡ nhịp trong tiếp cận với lượng khách hàng mới được mang đến từ AEC, TPP.
“Tại hầu hết các trang thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, phần thông tin bằng tiếng Anh còn rất sơ sài, lạc hậu, thậm chí là không có. Các tiện ích cũng không hướng tới người dùng, trong đó thông tin về mạng lưới rất cần thiết với người truy cập chủ yếu các khách hàng cá nhân thì còn sơ sài. Liệu các khách hàng tiềm năng từ TPP sẽ lĩnh hội được gì từ một trang thông tin điện tử như vậy?”, lãnh đạo một ngân hàng băn khoăn.
Tuy nhiên, đang có sự chuyển biến tích cực từ khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong việc đầu tư cho “bộ mặt” của doanh nghiệp. Trong đó, những thông tin về cách thức mua hàng, điểm bán và dịch vụ, các bệnh viện bảo lãnh viện phí, gara hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn quốc, hay những tài liệu liên quan đang được các doanh nghiệp chú trọng đưa lên website doanh nghiệp, vì qua đó, khách hàng có thể nhanh chóng đưa ra quyết định chính xác cho việc tham gia sản phẩm bảo hiểm/dịch vụ, giảm thiểu tối đa thời gian lãng phí.
Mới đây, Bảo hiểm PVI đã cải tiến website của Công ty theo hướng đột phá. Website được thiết kế trên nền tảng công nghệ hiện đại với tốc độ xử lý nhanh, giao diện thân thiện, giúp truyền tải thông tin hữu ích tới người đọc. Website có tính tương tác cao với công cụ tìm kiếm “Mạng lưới”, khách hàng có thể nhanh chóng tìm ra địa điểm giao dịch gần nhất nhờ chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể bằng bản đồ đính kèm.
Ngoài ra, điểm hạn chế cố hữu trong phiên bản tiếng Anh cũng đã được nhà bảo hiểm này khắc phục, thông tin được cập nhật đầy đủ từ phiên bản tiếng Việt.
“Với định hướng vươn ra thị trường quốc tế, việc đầu tư này với Bảo hiểm PVI nói riêng, doanh nghiệp bảo hiểm nói chung là cần thiết. Các tính năng chuyên sâu (web online, trung tâm chăm sóc khách hàng bảo hiểm sức khỏe…) được chúng tôi tách riêng ra, khiến khách hàng bớt cảm giác nặng nề khi truy cập”, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết.
Nguon tinnhanhchungkhoan.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét