chia sẻ

Hoàn thiện hệ thống phát luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn dài hạn hữu hiệu của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước trong từng thời kỳ. Hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động kinh doanh.


Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra định hướng “Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistic và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác”. Khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã và đang tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường, nhiều quy định đã được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Các quy định về hình thức pháp lý, về tổ chức hoạt động cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thành lập và hoạt động thuận lợi.

Đến nay, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và lớn mạnh, từng bước thể hiện vai trò là tấm lá chắn vững chắc trước các rủi ro giúp các tổ chức, cá nhân nhanh chóng ổn định hoạt động và cuộc sống khi gặp rủi ro, là kênh huy động vốn dài hạn hữu hiệu của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước trong từng thời kỳ.

Hoàn thiện hệ thống phát luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm


Hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các DNBH hoạt động kinh doanh. Hệ thống pháp luật chuyên ngành về bảo hiểm đã được rà soát và sửa đổi, bổ sung, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xóa bỏ rào cản và phân biệt đối xử đối với các DNBH có vốn đầu tư nước ngoài, tạo sự bình đẳng cho các DNBH thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường. Điều này thể hiện ở các mặt sau:

Một là, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp tình hình phát triển của thị trường, phù hợp chuẩn mực và thực hiện cam kết quốc tế.

Trong giai đoạn 2011-2015, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, tạo môi trường, nền tảng pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Đã có 37 văn bản quy phạm pháp luật (06 Nghị định, 06 Quyết định của Thủ tướng, 25 Thông tư của Bộ Tài chính) được rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành mới tập trung vào các mục tiêu: Tháo gỡ vướng mắc, giúp đỡ, hỗ trợ DNBH tăng trưởng hiệu quả; Đơn giản hóa thủ tục hành chính; Tăng cường quản trị DN; cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo an toàn tài chính và đảm bảo quyền lợi của người tham gia các sản phẩm bảo hiểm.

Hai là, thống nhất về mặt thể chế giữa các bộ luật, với Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán.


Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đã rà soát và kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các quy định liên quan còn chưa thống nhất về cơ chế quản lý, giám sát, quy định chưa rõ ràng, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, quản lý giám sát nhất quán, hỗ trợ thị trường bảo hiểm và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm như: Bỏ Chương hợp đồng bảo hiểm (Bộ luật dân sự sửa đổi); bổ sung tội danh gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015); bổ sung phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm (Luật phí, lệ phí năm 2015). Đến nay, các bộ luật, luật nêu trên đã được thống nhất về mặt thể chế với Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Ba là, sửa đổi, bổ sung chính sách về thuế hiện hành nhằm hỗ trợ thị trường bảo hiểm, tập trung vào các chính sách khuyến khích sản phẩm phục vụ mục tiêu kinh tế, an sinh xã hội.

Nhằm khuyến khích DNBH phát triển các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tham gia các sản phẩm bảo hiểm cần thiết, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội bổ sung nhiều dịch vụ bảo hiểm vào nhóm hàng hóa không phải chịu thuế tại Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế số 71/2014/QH13 như: Bảo hiểm sức khỏe, dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp khác, bảo hiểm tàu thuyền, trang thiết bị dụng cụ cần thiết phục vụ đánh bắt thủy sản, bảo hiểm ngư dân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có chính sách ưu đãi về thuế, nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện, từ đó có nguồn tài chính để tự đảm bảo cuộc sống khi về già, giảm nhẹ gánh nặng nhà nước dành cho an sinh xã hội.

Yêu cầu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2016-2020

Trong những năm tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, song cũng gặp không ít thách thức. Bên cạnh những cơ hội như tiềm năng của thị trường còn khá lớn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam... thì cũng còn khá nhiều thách thức như: nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự ổn định; thảm họa, thiên tai xảy ra với tần suất ngày càng lớn; rủi ro bảo hiểm diễn ra nhiều, khó lường, số lượng ngày càng tăng... gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, làm cho hoạt động của các DN có nhiều biến động, trong đó có các DNBH. Vì vậy, hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tế.

Các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ngày càng mở, làm gia tăng tình trạng cạnh tranh giữa các DNBH trong nước với các tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài vốn có nhiều kinh nghiệm và ưu thế vượt trội. Trong khi đó, năng lực tài chính của nhiều DNBH trong nước chưa thực sự vững mạnh, công nghệ quản trị điều hành chưa được hiện đại hóa, trình độ đội ngũ cán bộ bảo hiểm chưa cao và thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tính chuyên nghiệp của các kênh phân phối sản phẩm chưa đồng đều... Vì vậy, hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để duy trì sự ổn định của thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DNBH.

Ngoài hệ thống pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, thị trường bảo hiểm cũng chịu sự ảnh hưởng đồng bộ của hệ thống các pháp luật liên quan. Sự thay đổi cơ chế chính sách của những lĩnh vực liên quan trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DNBH trong điều kiện thị trường còn non trẻ, đang bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế. Một số chính sách về quản lý tài chính, thuế, đầu tư vẫn chưa thực sự khuyến khích DN mua bảo hiểm nhóm, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí cho người lao động; chưa có ưu đãi DNBH mở rộng kinh doanh tại các vùng sâu, vùng xa hoặc đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm an sinh – xã hội.

Bên cạnh đó, hiện nay, ngay trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cũng còn có một số quy định chưa bao quát hết yêu cầu phát triển của thực tế như: quy định về hoa hồng bảo hiểm, đầu tư, tái bảo hiểm, quản trị DN... Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản luật.

Quan điểm, mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật

Trong giai đoạn tới, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm cần được thực hiện theo các quan điểm, mục tiêu sau:

Một là, khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm cần tiếp tục được hoàn thiện theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng và các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Hai là, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục hành chính, phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến các loại hình bảo hiểm được Nhà nước khuyến khích phát triển vì mục đích an sinh xã hội.

Ba là,
hệ thống pháp luật chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm phải mạch lạc, rõ ràng, phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp, các bộ luật và luật hiện hành; phù hợp với các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện pháp luật chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm theo đúng Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Cụ thể như:

Thứ nhất, rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản này theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục hành chính, phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường; nâng cao các yêu cầu về năng lực tài chính và quản trị điều hành của DNBH (trong đó đặc biệt chú ý tới việc chuẩn hóa quy định về áp dụng công nghệ thông tin, trình độ chuyên môn của các bộ chủ chốt của DNBH; áp dụng mô hình và phương thức quản lý tiên tiến).

Thứ hai, bổ sung, xây dựng các quy định mới nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển các loại hình sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm cũng như yêu cầu phát triển của nền kinh tế-xã hội (bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thiên tai, thảm họa...). Ngoài ra, xây dựng các quy định về cấp phép thành lập và hoạt động của công ty tái bảo hiểm; tiêu chí, điều kiện hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DN kinh doanh bảo hiểm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động bảo hiểm (kế toán kiểm toán, giám định tổn thất...).

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, chế độ liên quan đến các loại hình bảo hiểm được Nhà nước khuyến khích phát triển vì mục đích an sinh xã hội (bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm cho các đối tượng có thu nhập thấp...) trên cơ sở tổng kết, đánh giá các chương trình thực hiện thí điểm.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chế độ bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp môi giới bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách...

Thứ năm, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định còn chồng chéo giữa hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật khác (Luật dân sự, Luật Cạnh tranh, Luật Xây dựng, Luật Hàng hải...) để hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản luật.

Thứ sáu, sửa đổi quy định về chế độ kế toán áp dụng cho các DNBH phù hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Thứ bảy, rà soát các chính sách về thuế hiện hành đảm bảo phù hợp và hỗ trợ sự phát triển của thị trường bảo hiểm, trong đó tập trung vào các chính sách khuyến khích sản phẩm bảo hiểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội như bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, bảo hiểm cho người nghèo.

Thứ tám,
nghiên cứu, xây dựng các cơ chế ưu đãi về đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH, trong đó đặc biệt chú trọng tới các cơ chế tạo điều kiện kết nối, liên thông hoạt động đầu tư của các DNBH với thị trường chứng khoán và các thị trường tài chính khác.

Thứ chín,
nghiên cứu sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 một cách tổng thể vào năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó hệ thống văn bản pháp luật mới có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, điều chỉnh đồng bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong mối liên kết với các mảng thị trường dịch vụ tài chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm