Kết thúc năm 2016, khối bảo hiểm nhân thọ được dự đoán tăng trưởng trên 20% so với năm 2015. Dù luôn có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhưng so với thị trường khu vực, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhỏ. Nếu cần một “cuộc cách mạng” để thị trường này bứt phá mạnh hơn, theo ông, đó sẽ là yếu tố nào?
Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn hạn chế so với khu vực một phần do cái nhìn chưa tốt của người dân đối với bảo hiểm. Có thể thấy, thời gian vừa qua, trên mạng xã hội và một số trang tin online đã đăng khá nhiều thông tin không tốt về bảo hiểm nhân thọ.
Nhiều nội dung được đề cập trong đó rất thiếu chính xác, thiếu khách quan, nhưng vẫn được đông đảo người dùng internet chia sẻ, bình luận.
Điều này cho thấy, trong suy nghĩ của đại đa số người dân, các công ty bảo hiểm luôn sai và khách hàng luôn đúng. Nhiều người dù đang thực sự có nhu cầu được tham gia bảo hiểm, nhưng lại rất e dè, cẩn trọng khi bắt gặp những thông tin xấu như vậy.
Điều này phần nào phản ánh những năm đầu phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ, chúng ta đã phát triển ồ ạt mà không thực sự chú ý đến chất lượng, uy tín của công ty, của ngành, của nghề mà mình theo đuổi. Chính điều này đã để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp về bảo hiểm nhân thọ trong mắt đại đa số người dân.
Tôi nghĩ, chúng ta cần một sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chủ quản, các đơn vị báo chí truyền thông, các doanh nghiệp bảo hiểm, để làm mới hình ảnh của bảo hiểm nhân thọ.
Chúng ta cần một “tấm áo mới” cho bảo hiểm nhân thọ, mà ở đó, tính nhân văn của bảo hiểm được đề cao, quyền lợi của khách hàng được đặt lên hàng đầu và khách hàng thực sự tham gia vì chính bản thân và gia đình họ.
Đại lý bảo hiểm giống như những “chiến sĩ ngoài tiền tuyến”, họ chính là bộ mặt, hình ảnh của công ty trước khách hàng. Do đó, việc xây dựng và phát triển lực lượng đại lý chuyên nghiệp và chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của Manulife.
Tất nhiên, để xây dựng được một đội ngũ đại lý như mong muốn không phải là chuyện dễ dàng. Mỗi cá nhân, bên cạnh mục tiêu chung của công ty, đều có những mục tiêu và động lực của riêng mình.
Làm sao để dung hòa các quyền lợi để tất cả đều vì một mục tiêu chung đòi hỏi các bộ phận như Tuyển dụng đại lý, Huấn luyện đại lý, Quản lý chất lượng đại lý và Ban giám đốc phải cùng phối hợp chặt chẽ, cũng như có sự đầu tư thích đáng thì mới có thể tạo được sự đột phá nhất định.
Tại Manulife Việt Nam, chất lượng đại lý luôn là niềm tự hào của chúng tôi, khi phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, với hơn 20.000 đại lý có năng suất cao trên thị trường. Tính đến hết năm 2015, chúng tôi có 454 MDRT (Million Dollar Round Table – Câu lạc bộ bàn tròn triệu đô), là một trong những công ty có số lượng MDRT đông đảo nhất thị trường Việt Nam, đồng thời dẫn đầu trong nội bộ Manulife tại các nước châu Á.
Chúng tôi luôn ưu tiên ứng dụng công nghệ trong việc phục vụ công việc tư vấn của đại lý, đầu tư cơ sở hạ tầng để đại lý thuận tiện chăm sóc và tư vấn khách hàng, triển khai các chương trình đào tạo huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để sản phẩm hiểm nhân thọ ngày càng hấp dẫn hơn với khách hàng, các công ty bảo hiểm cũng đã đưa vào rất nhiều quyền lợi trong mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, việc mở rộng quyền lợi cho khách hàng cũng đồng nghĩa với việc công ty bảo hiểm sẽ chấp nhận nhiều rủi ro hơn, đặc biệt đối với những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đã từng bị trục lợi rất nhiều?
Theo quan điểm của tôi, trục lợi bảo hiểm là hiện tượng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, chứ không riêng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng trục lợi bảo hiểm đang ngày càng diễn ra phổ biến, với mức độ tinh vi hơn, chẳng hạn: người mua bảo hiểm cố tình che giấu, không khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe của mình; giả mạo chứng từ y tế để được hưởng tiền bảo hiểm; hoặc cấu kết với cá nhân/tổ chức y tế như bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược phẩm... để phát hành chứng từ y tế không đúng với thương tật, bệnh tật, tình trạng sức khỏe thực tế.
Tình trạng trục lợi bảo hiểm gia tăng sẽ ảnh hưởng công việc điều tra và phòng chống trục lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm (gồm các quy trình: kiểm tra, xác minh, điều tra các hồ sơ, chứng từ nghi vấn…), làm kéo dài thời gian giải quyết bồi thường cho các khách hàng khác.
Có một điều cần chia sẻ rõ, bồi thường chính là nhiệm vụ của các công ty bảo hiểm, nếu không có bồi thường thì sẽ không có các công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm chỉ từ chối bồi thường khi sự kiện xảy ra không đúng các điều khoản trong hợp đồng, hoặc phát hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm.
Hiện nay, số lượng khách hàng có nhu cầu được bảo hiểm sức khỏe lớn hơn rất nhiều lần so với số vụ trục lợi. Chúng tôi không thể chỉ vì e ngại tình trạng đó mà bỏ qua, không phục vụ nhu cầu chính đáng của số đông khách hàng.
Mặt khác, chúng tôi tin tưởng vào các quy định pháp lý do Nhà nước đang triển khai, đơn cử là việc Bộ luật Hình sự đã được bổ sung hành vi trục lợi bảo hiểm. Điều này cho thấy sự sâu sát của Nhà nước trong việc đề ra các biện pháp hạn chế hiện tượng tiêu cực trong thị trường bảo hiểm.
Theo ông, xu hướng mua bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam đang ngày càng thay đổi rõ nét, khi ngày càng quan tâm nhiều hơn đến dòng sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe?
Xu hướng ngày càng có nhiều người mua bảo hiểm sức khỏe là điều tất yếu, vì họ thấy được những rủi ro từ xã hội (tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm…) đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của họ và gia đình. Họ cần nguồn tiền đủ lớn để trang trải chi phí y tế khi không may gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
Ngoài ra, khi mức sống tăng lên, người dân không chỉ muốn được trang trải các chi phí y tế căn bản, mà còn muốn được hưởng những dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao, tiên tiến, hiện đại.
Cùng với đó, hệ thống bệnh viện và phòng khám quốc tế, chất lượng cao đã phát triển khá mạnh và rộng rãi tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, nên nhu cầu được chăm sóc, khám chữa bệnh tại những cơ sở y tế chất lượng sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Việc tham gia thêm nhiều gói bảo hiểm sức khỏe sẽ giúp khách hàng có thêm nhiều quyền lợi và sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu.
Tương lai là như vậy, song thực tế, vẫn còn rất nhiều người chưa tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, cho nên vấn đề được đặt ra là làm sao để lấp đầy khoảng trống đó, thưa ông?
Tôi cho rằng, các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn luôn nỗ lực để đến gần hơn với khách hàng, tuy nhiên, khoảng cách giữa hai bên đâu đó vẫn còn xa, bởi bản thân khách hàng vẫn còn ngần ngại. Điều này chủ yếu là do quan niệm chưa đúng về bảo hiểm nhân thọ, do lầm tưởng trong nhu cầu, bởi nhiều người vẫn đề cao tiết kiệm hơn bảo vệ.
Họ không có đầy đủ thông tin khách quan, bị ảnh hưởng bởi một số nhận định tiêu cực cho rằng, bảo hiểm là lừa đảo. Tình trạng trên làm cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng không mạnh mẽ như các quốc gia khác và về vĩ mô, các gia đình Việt sẽ chịu nhiều rủi ro về mặt kinh tế hơn, dẫn tới một nền tảng gia đình kém ổn định và có thể gây ảnh hưởng tới nền tảng kinh tế của xã hội.
Tôi mong muốn bản thân người dân cũng hãy “tiến” dần về bảo hiểm nhân thọ và trao gửi niềm tin, để số người được bảo vệ tại Việt Nam ngày càng lớn hơn. Bởi nguyên lý của bảo hiểm là, khi một rủi ro lớn được chia sẻ với số đông, thì rủi ro này sẽ giảm xuống thấp, thậm chí không đáng kể, và thiệt hại không còn nhiều. Nguyên lý này vô cùng giản dị mà có lợi cho tất cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét