1. Đồng bạc có kích thước lớn nhất
Với kích thước lớn hơn cả 1 tờ giấy A4, đồng bạc có kích thước lớn nhất thế giới có mệnh giá 100.000 Peso do Chính phủ Philippines phát hành năm 1998. Được thiết kế nhằm kỷ niệm 1 thế kỷ ngày Philippines giành độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha, đồng bạc phiên bản giới hạn này chỉ được bán cho các nhà sưu tập. Giá bán cho các nhà sưu tập là 180.000 Peso, tương đương 3.700 USD/tờ.
2. Đồng bạc mệnh giá 1 triệu Bảng
Đồng bạc có mệnh giá lớn nhất mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) từng phát hành có mệnh giá 1 triệu Bảng vào năm 1948, trong thời gian tái thiết hậu chiến tranh theo kế hoạch Marshall. Đồng bạc này được thiết kế dành riêng cho Chính phủ Mỹ sử dụng. Vài tháng sau đó, việc phát hành chấm dứt, nên chỉ có rất ít đồng bạc này lọt vào tay tư nhân. Vào năm 2008, một trong những đồng bạc mệnh giá khổng lồ còn sót lại đã được bán đấu giá thành công với mức giá khoảng 120.000 USD.
3. Máy ATM đầu tiên trên thế giới
Máy ATM có lẽ là ý tưởng tuyệt vời nhất mà con người nghĩ ra khi ở trong bồn tắm kể từ thời Archimede. Khi đang tắm, John Shepherd-Barron đã phát minh ra chiếc máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên, cho dù vẫn còn những tranh cãi về bản quyền của ông đối với ít tưởng này. Shepherd-Barron sau đó đã đưa ý tưởng của ông lên ngân hàng Barclays của Anh và được chấp nhận ngay lập tức.
Vào năm 1967, chiếc máy ATM đầu tiên đã được lắp đặt London. Dẫu còn thô sơ so với những “hậu duệ” ATM ngày nay, nhưng có ưu điểm là không thu phí. Trong ảnh là một phụ nữ đang rút tiền từ máy ATM bên ngoài ngân hàng Westminster ở London vào ngày 19/1/1968.
4. Nguồn gốc của ký hiệu $
Không ai biết ký hiệu của đồng bạc xanh ($) từ đâu mà có, nhưng Cục In tiền của Mỹ có cách lý giải xem chừng rất hợp lý. Cơ quan này cho biết, ký hiệu $ ban đầu được sử dụng cho đồng Peso của Tây Ban Nha và Mexico, trông giống như chữ “P” viết lồng vào chữ “S”. Ký hiệu $ đã được sử dụng rộng rãi trước năm 1875, thời điểm đồng USD bằng giấy đầu tiên được phát hành. Nếu để ý, có thể thấy ký hiệu $ không hề xuất hiện trên đồng tiền của nước Mỹ.
5. Tiền mệnh giá càng nhỏ càng nhanh rách
Tất cả các đồng tiền giấy rốt cục rồi cũng rách nát. Những đồng càng có mệnh giá nhỏ lại càng được sử dụng nhiều, vòng đời càng ngắn hơn. Ước tính, đồng 1 USD chỉ tồn tại được trong 21 tháng, trong khi tờ 100 USD có thể sử dụng trong 7 năm. Trong khoảng thời gian đó, lạm phát có thể làm giá trị của đồng tiền “teo” đi. Đây có thể xem là lý do để mọi người tiêu tiền càng nhanh càng tốt!
6. Cảnh sát chống bạc giả của Mỹ
Sau cuộc Nội chiến (1861-1865), tiền giả lan tràn khắp nước Mỹ, với tỷ lệ bạc giả được cho là lên tới 1/3 số tờ bạc trong lưu thông, buộc Chính phủ phải hành động. Vào năm 1865, một bộ phận đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã được thành lập để chống nạn làm giả tiền. Cơ quan này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với cái tên Mật vụ Hoa Kỳ (USSS), mang nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của nước này.
Tổng thống Abraham Lincoln là người đã trao quyền chống bạc giả cho Mật vụ vào ngày 14/4/1865. Đến năm 1901, cơ quan này được Tổng thống William McKinley giao thêm nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống. Năm 2002, Mật vụ Mỹ - cơ quan gồm 6.500 nhân viên - được chuyển vào một bộ mới thành lập là Bộ An ninh nội địa.
7. Người có chân dung được in nhiều nhất trên tiền
Từ Australia tới Trinidad và Tobago, chân dung của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị ngự trị trên đồng tiền của 33 quốc gia khác nhau - nhiều hơn bất cứ một nhân vật nào. Canada là nước đầu tiên in chân dung của Nữ hoàng Elizabeth lên đồng tiền vào năm 1935, khi Nữ hoàng còn là công chúa lên 9 tuổi.
Theo thời gian, 26 chân dung khác nhau của Nữ hoàng Anh đã được sử dụng trên đồng Bảng Anh cũng như đồng tiền của các thuộc địa, lãnh địa và vùng lãnh thổ của nước này. Một số nước thích sử dụng chân dung của Nữ hoàng trong trang phục hoàng gia lộng lẫy, một số khác thích chân dung giản đơn. Nhiều nước “cập nhật” chân dung của Nữ hoàng theo độ tuổi, trong khi nhiều nước chỉ thích dùng chân dung của Nữ hoàng khi còn trẻ.
8. Tiền rất bẩn
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn số tờ USD nằm trong lưu thông có dính một hàm lượng nhất định chất ma túy. Lý do là bọn buôn lậu ma túy thường dùng tay có dính thuốc để di chuyển tiền, nhiều con nghiện cũng sử dụng tiền để cuộn lại làm ống hít.
Tệ hơn, tiền còn được các nhà nghiên cứu chỉ ra là một ổ bệnh, với rất nhiều loại vi khuẩn và virus khác nhau, với số lượng thậm chí còn lớn hơn trong toilet của các hộ gia đình. Chẳng hạn, virus cúm được cho là có thể tồn tại trên tiền giấy tới 17 ngày. Đó là lý do vì sao người ta nên dùng thẻ nhiều hơn.
9. Tiền mệnh giá “siêu khủng” của Zimbabwe
Với tốc độ lạm phát lên tới 231 triệu%, giá một ổ bánh mì là 300 tỷ Đôla Zimbabwe, Chính phủ nước này đã phải phát hành tờ bạc mệnh giá 100 nghìn tỷ Đôla Zimbabwe vào đầu năm 2010. Đây là tờ bạc có mệnh giá lớn nhất trên thế giới từ trước tới nay.
10. Tờ tiền giấy đầu tiên
Tiền giấy được sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc, vào thời nhà Đường (618-907), ban đầu dưới dạng tờ bạc phát hành tư nhân. Đến thế kỷ thứ 17, tiền giấy mới bắt đầu được sử dụng tại châu Âu. Và thêm khoảng 1-2 thế kỷ nữa, tiền giấy mới được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
Do tiền giấy được phát hành ồ ạt và gây lạm phát, Trung Quốc đã cấm tiền giấy hoàn toàn vào năm 1455 và nhiều thế kỷ sau đó mới sử dụng trở lại loại tiền này. Một sự thật mà ít người biết đến nữa là: Từ “cash” (“tiền mặt”) trong tiền Anh bắt nguồn từ từ “kai-yuan” dùng để chỉ loại tiền xu bằng đồng có đục lỗ ở giữa được sử dụng phổ biến vào thời nhà Đường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét