chia sẻ

Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành bảo hiểm: Ưu tiên chiến lược

Để ứng dụng công nghệ thông tin như một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm, chúng ta cần đánh giá đầy đủ, toàn diện thực trạng phát triển thị trường bảo hiểm và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm thời gian qua.
Để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm, một trong những giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tinĐể tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm, một trong những giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính 
Trong những năm qua, thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả, tạo kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức kinh tế và đời sống dân cư, bảo vệ tài chính cho nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.

Năm 2015, tổng doanh thu ngành bảo hiểm chiếm tỷ lệ 2% GDP, đạt mục tiêu đề ra của Chiến lược tài chính đến năm 2020 và Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 16%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm đã huy động vốn dài hạn cho ngân sách nhà nước với hơn 175.000 tỷ đồng đầu tư trở lại nền kinh tế. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ, nhất quán cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

Nhờ đó, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm được cải thiện, góp phần đảm bảo thị trường phát triển an toàn, ổn định. Các sản phẩm bảo hiểm được phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhận thức của người dân và toàn xã hội về bảo hiểm được nâng cao.

Công nghệ đang làm thay đổi ngành bảo hiểm 

Tuy nhiên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn. Tính kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm chưa cao. Năng lực cạnh tranh của không ít doanh nghiệp còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực. 

Để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, một trong những giải pháp quan trọng là cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát hiệu quả của nhà nước đối với thị trường bảo hiểm, đảm bảo môi trường phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm là một trong những ưu tiên chiến lược của Chính phủ nhằm xây dựng hệ thống phân tích tự động hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá và cảnh bảo sớm nguy cơ của doanh nghiệp bảo hiểm.

Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin sẽ đáp ứng mục tiêu xây dựng cho thị trường bảo hiểm một kho dữ liệu chung, sử dụng lâu dài, có khả năng phát triển, mở rộng, cung cấp thông tin đủ, kịp thời và chính xác cho cơ quan quan quản lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản trị doanh nghiệp và khách hàng mua bảo hiểm trong việc tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nhanh nhất.

Để ứng dụng công nghệ thông tin như một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm, chúng ta cần đánh giá đầy đủ, toàn diện thực trạng phát triển thị trường bảo hiểm và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm thời gian qua; cần làm rõ các xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm ở các nước trên thế giới và rút ra khuyến nghị phù hợp với Việt Nam; cần thảo luận các giải pháp, chính sách về thể chế, về công nghệ để phát triển thị trường bảo hiểm một cách an toàn, hiệu quả, đồng bộ, phù hợp với xu hướng tăng cường và đẩy mạnh hội nhập, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm. 

Hy vọng, thị trường sẽ có nhiều nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin chuyên nghiệp, uy tín nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong ngành tài chính nói chung, lĩnh vực bảo hiểm nói riêng. 

Xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin chung cho toàn thị trường

 Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông
Tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đưa cơ sở dữ liệu về bảo hiểm là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử.

Đây là một cơ sở dữ liệu chứa thông tin về bảo hiểm toàn dân có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ, sử dụng chung giữa các bộ, ngành phục vụ quản lý nhà nước phát triển xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang tích cực xây dựng các nền tảng pháp lý để thúc đẩy các hình thức giao dịch điện tử vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính bằng việc xây dựng nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. 

Theo đó, các giao dịch về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gồm đăng ký tham gia, đề nghị cấp thẻ, cấp sổ, giải quyết, chi trả các chế độ độ, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và trao đổi thông tin giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. 

Từ những nỗ lực trong mảng bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp rất cần nâng cao vai trò của công nghệ cũng như phối hợp với nhau để tìm kiếm giải pháp công nghệ thích hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế đất nước nói chung, lĩnh vực bảo hiểm nói riêng (bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, bảo hiểm thương mại do Bộ Tài chính quản lý - PV).

Để thực hiện tốt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và những năm tiếp theo, việc xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin chung cho toàn thị trường, đáp ứng nhu cầu quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hết sức cần thiết. Hệ thống này cần đạt các mục tiêu sau:

Thứ nhất, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (Bộ Tài chính) với các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức liên quan. 

Thứ hai, xây dựng kho dữ liệu bảo hiểm tập trung có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời, toàn diện phục vụ cho việc phân tích, dự báo, tính phí bảo hiểm. 

Thứ ba, xây dựng mô hình phân tích, dự báo cho các chỉ tiêu quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm. 

Thứ tư, hệ thống có khả năng phát triển, mở rộng, cung cấp thông tin đủ, kịp thời, chính xác, đáp ứng không những đối với cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà còn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác quản trị doanh nghiệp và người dân tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm nhanh nhất. 

Với mục tiêu và kế hoạch đề ra, Cục Tin học hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để thực hiện thành công dự án, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hệ thống công nghệ thông tin của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa đạt chuẩn quốc tế

 Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa đồng nhất. Trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và công tác quản trị doanh nghiệp thì tại Việt Nam, hệ thống công nghệ thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước nhìn chung chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Giai đoạn 2016 - 2020 được xem là giai đoạn trọng tâm trong việc hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm. Theo đó, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng doanh thu đạt 3 - 4% GDP. Quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến năm 2020 tăng 4,5 lần so với năm 2010. 

Tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế đến năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2010. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của ngành bảo hiểm đến năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2010. Ngoài ra, đến năm 2020, ngành bảo hiểm sẽ tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế. 

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành bảo hiểm sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ cùng các giải pháp khác.

 
Chăm sóc, quản lý và tương tác với khách hàng thông qua công nghệ đang là xu hướng mới

Ông Ðào Thanh Tú, Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ, Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam 

Tại Việt Nam, việc chăm sóc, quản lý và tương tác với khách hàng thông qua công nghệ, quy trình trong kỷ nguyên số đang là xu hướng mới nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ giúp khách hàng chủ động và hiểu biết nhiều hơn về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước, trong và sau khi sử dụng.

Tại Prudential Việt Nam, chúng tôi đang tập trung đầu tư cho tất cả các ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, sau 2 năm triển khai, hệ thống tự động hóa vận hành (work-flow) với giá trị đầu tư gần 3 triệu USD vừa được đưa vào hoạt động. Bênh cạnh đó, hệ thống call center, dịch vụ khách hàng, hệ thống quản lý hồ sơ bảo hiểm cá nhân online (Customer portal) đã được chuẩn hóa và bắt đầu mang lại hiệu quả vượt trội.

6 tháng đầu năm 2016, Prudential đạt 5.717 tỷ đồng doanh thu, chiếm 26,55% doanh thu toàn ngành (21.531 tỷ đồng), thực hiện chi trả gần 2.054 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng chi trả toàn ngành (5.193 tỷ đồng).

Xu hướng chung là các hãng bảo hiểm sẽ sử dụng công nghệ nhiều hơn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp bảo hiểm cần chuẩn bị nguồn nhân lực song song với việc phát triển năng lực để đáp ứng với sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm trong kỷ nguyên số.

Đặc san Toàn cảnh Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm