chia sẻ

BẢO HIỂM ĐẦU TƯ ĐI ĐÂU ???


Số liệu báo cáo tổng kết năm 2013  mới đây của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho thấy trong khi hoạt động của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khá tốt, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dù nhìn chung tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại trong hoạt động đầu tư.

Điểm đáng chú ý của khối bảo hiểm phi nhân thọ là năm 2013 các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư, với số tiền hơn 24.200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2012. Song lợi nhuận thu được chỉ đạt hơn 1.600 tỷ đồng, giảm 3%. Trong danh mục đầu tư, bên cạnh gửi tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất (69%, đạt hơn 16.800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012), một số hoạt động đầu tư khác tăng khá mạnh.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã mua hơn 1.200 tỷ đồng cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, chiếm tỷ trọng 5% và tăng 27% so với năm 2012. Con số này cộng với góp vốn vào doanh nghiệp khác hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8% và tăng 13% so với năm 2012… Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận đầu tư chỉ đạt 7% so với 8% của năm trước đó. Tổng doanh thu hoạt động đầu tư đạt 2.129 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.623 tỷ đồng (giảm 3% so với năm 2012), trong đó 17/29 doanh nghiệp giảm lợi nhuận hoạt động tài chính so với năm 2012.

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2013 có đến 15/29 doanh nghiệp bảo hiểm lỗ, trong đó 11 doanh nghiệp lỗ trong 2 năm 2012 và 2013. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng chưa bền vững, chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả kinh doanh; đồng thời vẫn tồn tại hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (như giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng chi phí hoạt động kinh doanh...), dẫn đến khó khăn trong thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2014 Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có những chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ phát triển như: quy định giảm mức đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới xuống 1%; hỗ trợ đưa bảo hiểm nông nghiệp vào triển khai đại trà, hỗ trợ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sau thí điểm; dự án về nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.

Còn theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, dự kiến năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 51.600 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 26.380 tỷ đồng, tăng 8%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.252 tỷ đồng, tăng khoảng 11,5%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm