chia sẻ

Doanh nghiệp bảo hiểm: Lãi ít, cổ đông “kêu trời”

Đối với các cổ đông, vấn đề cổ tức luôn rất “nhạy cảm”, đặc biệt vào mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Cũng bởi vậy, không ít cổ đông đang than trời khi doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có doanh thu tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận lại thấp.
Các DNBH phải đối diện với thách thức trích dự phòng theo quy định khi doanh thu tăng trưởng Các DNBH phải đối diện với thách thức trích dự phòng theo quy định khi doanh thu tăng trưởng

Tại ĐHCĐ Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa diễn ra cuối tuần qua, trước kế hoạch lợi nhuận năm 2016 giảm 12% so với đạt được năm 2015, cổ đông đã không ngần ngại đề nghị Ban lãnh đạo Công ty giải thích lý do vì sao lợi nhuận giảm trong khi doanh thu vẫn tăng.

Ông Nguyễn Trường Giang, cựu Chủ tịch HĐQT PTI (thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PTI kể từ sau Đại hội theo đề nghị của Tổng công ty Bưu điện) cho biết, có 2 lý do khiến kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm. 

“Do năm 2016, PTI tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng 22% về doanh thu nên việc trích lập quỹ dự phòng theo quy định của Bộ Tài chính cũng phải tăng tương ứng, từ đó ảnh hưởng đến chi phí, làm giảm lợi nhuận trước thuế”, ông Giang nói về nguyên nhân thứ nhất và cho biết thêm, nếu tăng 100 đồng phí bảo hiểm thì phải trích lập dự phòng 40 đồng. Do hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, kinh doanh rủi ro nên theo quy định của Bộ Tài chính cũng như pháp luật hiện hành, các DN như PTI phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo luật định.

Lý do thứ hai được ông Giang đưa ra đó là do lợi nhuận năm 2015 tăng cao, nhờ hiện thực hóa lợi nhuận bán đất tại đường Láng Hạ và Võ Thị Sáu. Trên thực tế, theo sâu chuỗi từ dữ liệu quá khứ của ĐTCK, khoản lợi nhuận này đã được PTI “dập dòm” khá lâu, khi chủ động đưa ra kịch bản lợi nhuận sáng sủa trong trường hợp bán được đất, nhưng trước đó chưa thành hiện thực.

Bên cạnh PTI, một DNBH khác trước áp lực tăng vốn lẫn tăng trưởng doanh thu lớn cũng từng buộc phải giảm chi cổ tức từ 15% xuống còn gần một nửa khiến cổ đông không khỏi nản lòng.

Có thể thấy, với mức tăng trưởng cao về doanh số, các DNBH phải đối diện với thách thức buộc phải trích lập bổ sung vào các quỹ theo luật định. Do đó, bài toán tăng trưởng luôn cần được cân đối kỹ lưỡng để hài hòa với lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông, bởi nếu thiếu đi nguồn tiền sẽ không đủ để trích lập dự phòng.

Cần nói thêm rằng, trong Top 5 DNBH dẫn đầu thị trường, trong khi Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh và PJICO luôn thận trọng với tăng trưởng doanh thu, hay Bảo hiểm PVI giữ nhịp tăng trưởng ở mức chấp nhận được thì năm qua, PTI đã đạt tốc độ tăng trưởng khủng (hơn 40%). Mức tăng trưởng này đã đưa PTI vượt qua PJICO leo lên vị trí thứ 4 về thị phần bảo hiểm gốc trong năm 2015, nhưng cũng khiến DNBH này phải gấp gáp điều chỉnh giảm tốc tăng trưởng doanh thu xuống 22% năm kế sau, nhằm đảm bảo mục tiêu hoạt động hiệu quả.

Không riêng PTI, một số DNBH khác cũng gặp tình cảnh lãi ít khiến cổ đông than trời. Chẳng hạn, tại BIC, mới chỉ vừa có lãi sau nhiều năm liên tục lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì đến năm 2015, BIC lại lỗ từ hoạt động lõi này do tỷ lệ bồi thường tăng 1,9% so với kế hoạch. 

Hay tại Bảo Minh, mặc dù vượt kế hoạch doanh thu, nhưng năm 2015, DN này vẫn lỗi hẹn với cổ đông đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và lãi từ mảng kinh doanh cốt lõi. Công ty đã hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, nhưng chỉ hoàn thành 51% kế hoạch từ mảng bảo hiểm. Do đó, trong kỳ đại hội năm nay, Ban lãnh đạo Bảo Minh có thể không tránh khỏi những than phiền từ cổ đông. Dù vậy, DNBH này vẫn đảm bảo chi trả cổ tức năm 2015 ở mức 10% bằng tiền mặt theo kế hoạch (do còn nguồn lợi nhuận chưa chia từ trước năm 2014).

Không chỉ đến nay mà ngay từ các năm gần đây, bất chấp sự lớn mạnh về tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vẫn khá thấp. Nguyên nhân là bởi đặc thù của ngành là chủ yếu trông chờ vào lãi từ đầu tư tài chính, trong bối cảnh lãi suất giảm, tỷ suất sinh lời từ đầu tư cổ phiếu cũng giảm mạnh. Cũng bởi vậy, sức hút của cổ phiếu ngành bảo hiểm không thật sự lớn so với các ngành khác. 

Trước đây, tại ĐHCĐ Bảo Minh năm 2015, với khoản lãi sau thuế 109,7 tỷ đồng trong năm 2014, cổ đông đã đề nghị xem xét lại hoạt động của DN do sở hữu tổng tài sản lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận khá thấp, trong khi đó lại dùng tới 20% khoản lãi sau thuế kể trên (tương đương 21 tỷ đồng) để chia thưởng cho cán bộ nhân viên.

Ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, do Bảo Minh được cổ phần hóa từ công ty nhà nước nên theo thông lệ từ trước đến nay đều trình ĐHCĐ thưởng cho cán bộ nhân viên 1 tháng lương, khoản này còn được trích ra để thực hiện nhiều hoạt động xã hội, cộng đồng không thể thiếu với DNBH (khoản chi mang tính xã hội này theo quy định không được tính vào chi phí). 

“Khoản chi 20 tỷ đồng là lớn nhưng sau khi trừ đi chi phí cho hoạt động xã hội thì phần chia cho 1.800 cán bộ nhân viên là nhỏ”, ông Đức nói.          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm