chia sẻ

Nếu bạn không thích bảo hiểm thì đừng đọc bài viết này ...

Khi tôi đang viết sơ sơ về vấn đề Bảo hiểm thì có một người bạn làm Bảo hiểm bỏ hẳn 2 giờ để  chỉnh huấn tôi và cũng là khai sáng cho tôi về Bảo hiểm. 

Phải nói ngay là anh rất chân tình và hiểu biết sâu về lĩnh vực này. Ngồi với anh, tôi cũng nghe được vài điều. Chí ít là một chân lý rạng rỡ của Bảo Hiểm mà cả thế giới đang dùng. Những chuyến hàng vượt biển, những chiếc xe hơi mới mua, những chiếc xe máy thiết thân và nhất là cái Thẻ Bảo hiểm y tế mà đã là người thì ai cũng cần thiết.

Tôi quá đồng ý với anh chứ. Nhưng xuyên suốt ở đây tôi muốn phê phán cái cách làm bảo hiểm của quí vị mà thôi. Ví như cái xe hơi bị bẻ đèn, một cuộc xem xét và điều tra hơi mệt mỏi nếu không quen biết và…biết cách làm. Một cái bảo hiểm nó chỉ ghi khoản bồi thường khi tai nạn mất tay chân. Nhưng nếu chân tôi chỉ “gẫy” thôi thì cũng đừng hòng. Muốn được tiền thì chỉ có nước …Cắt hẳn cái chân. Mà bản thân con người thì liệu có ai muốn mất cái chân nhỉ?

Anh bạn sau giải thích thì đưa ra cho tôi một thí dụ Bảo hiểm Nhân Thọ:” Nếu bạn gặp rủi ro ở những năm đầu thì gia đình bạn sẽ được hỗ trợ một số tiền khá lớn để lo cho gia đình. Bảo hiểm Nhân thọ ý nghĩa chính là bảo vệ tài chính cho người trụ cột trong gia đình. Anh làm con tính rằng: Nếu bạn đóng tiền tiết kiệm giả dụ một năm 12 triệu thì 15 năm sau bạn có được 180 triệu (chưa tính lãi suất ngân hàng). Nhưng nếu có rủi ro xảy ra trong vòng từ 1 đến 15 năm thì gia đình bạn sẽ có số tiền 500 triệu.
 
 
Nhân viên bảo hiểm đang tư vấn cho khách 
 
Anh bạn phân tích hay đến nỗi tôi là cái người dị ứng nhứt với cách làm Bảo hiểm Nhân Thọ ở Việt Nam cũng thấy “sáng nước” và …mềm tai như sau:

...Tôi hiểu vì sao những băn khoăn và những lo toan về bảo hiểm Nhân thọ. Thực trạng này vẫn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Nhưng mỗi chúng ta ngoài việc lo chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày, chúng ta còn rất đau đầu về tinh thần vì chuyện tương lai của con cái ai sẽ đảm bảo lo toan khi người cha người mẹ không còn bên cạnh nữa. Tình cảm đã mất, tương lai càng không được đảm bảo và hẳn các anh chị có từng nghĩ đến điều này mới tham gia chứ không phải từ một khoản tiền lời sinh lãi từ hợp đồng. Bảo hiểm Nhân thọ là một sản phẩm vô hình, nó chỉ có tác dụng khi rủi ro xảy đến với gia đình hoặc khi hợp đồng đáo hạn. Tiền trượt giá?  Thì với đồng tiền các anh đang giữ nó cũng vẫn trượt khi đang ở thời bão giá (hặc! chỗ nào cũng trượt. Hết đất chắc nha!). Bảo hiểm Nhân thọ ưu việt là: dù năm sau vẫn trượt giá thì phí đóng vẫn không tăng.  Khi đến năm đáo hạn hợp đồng anh nhận được một cục tiền lớn như đã ký kết để thực hiện ước mơ, nguyện vọng anh chị đã gửi gắm đến bảo hiểm. Nguyện vọng mà em nói đến thiết thực nhất và minh bạch nhất chính là tương lai con em. Các anh muốn đến năm 18 tuổi của cháu, chúng có một khoản tiền để vào đại học hoặc du học, mua laptop, xe máy, vốn liếng nho nhỏ khi ra trường... Những điều đó trước sau cũng phải tốn. Mà trong một khoản thời gian dài như vậy người ta có dám chắc không có rủi ro trong đời hay không? hay là ai cũng nom nớp lo sợ rủi ro đến bất chợt? Và sau đây em xin thưa đến anh chị quyền lợi thứ hai đó là quyền lợi bảo vệ. Nếu đem 20 triệu hay 5 triệu 1 năm đi mua vàng hay USD thì khi rủi ro xảy ra chi phí mà anh chị lấy được từ việc đầu tư ấy có đủ đảm bảo cho con cái anh chị 5 năm hay 10 năm sau có vốn liếng vào đại học và bước chân ra xã hội? Em thiết nghĩ với số tiền đầu tư ấy còn không đủ lo chuyện hữu sự nữa. Trong khi đó cũng với số tiền ấy mà khi có rủi ro thì anh chị nhận giá trị bồi thường gấp mấy lần, mà tương lai con anh chị đến khi vào đời vẫn có một khoản tiền lớn mà công ty bảo hiểm phải trả theo cam kết trong hợp đồng. Lợi ích thứ 3 là lợi ích về hỗ trợ như tổ chức khám sức khỏe định kỳ với một số khách hàng đặc biệt (chỉ đặc biệt thôi nhá), hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp khi cần thiết, hỗ trợ gia hạn hợp đồng khi có vấn đề về tài chính, hỗ trợ giảm mức phí tham gia của từng khách hàng đến mức thấp nhất có thể... Quan trọng là bạn có được tinh thần bảo vệ gia đình của Bảo hiểm Nhân thọ. Hãy nghĩ thoáng và tích cực, hãy lấy cuộc sống của người phương tây, của các nước bạn Châu Á làm bài học cho chúng ta về ý thức tham gia bảo hiểm. Rủi ro không lường trước được anh chị à. ..

Khi hợp đồng đã ký, xem như khách hàng và Công ty Bảo hiểm cam kết sẽ hợp tác với nhau trong 12, 15, 20, ... năm (tùy theo từng hợp đồng). Và hợp đồng cũng là một ràng buộc pháp lý của 2 bên. Vậy khi khách hàng muốn chấm dứt hợp đồng tức là đã vi phạm hợp đồng. Và nếu như theo hợp đồng kinh tế thông thường thì bên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không những không nhận lại được tiền mà phải bồi thường hợp đồng (thấy rõ chưa?). Nhưng Công ty Bảo hiểm không bắt bồi thường mà tùy theo thời gian đóng phí sẽ hoàn trả lại cho bạn "Giá trị hoàn lại của hợp đồng" (Ưu việt tối đa nhé). Tuy nhiên sự trả lại ít vì tiền đã đi vào các khoản: trích Quỹ dự phòng (Luật VN bắt buộc), chi phí quản lý (lương nhân viên, tiền điện, mặt bằng ...) các dự án đầu tư dài hạn (vì ban đầu công ty nghĩ bạn sẽ hợp tác dài lâu với công ty nên đã đem tiền đầu tư các nơi khác tương tự nhằm mục đích sinh lợi). Các chi phí ra đi này không thể lấy lại được nếu bạn mới tham gian trong thời gian ngắn. 

Một ưu việt nữa: hợp đồng bảo hiểm đã được ký thì chỉ có khách hàng được "hủy ngang" nếu muốn (tất nhiên là phải mất quyền lợi và tiền), nhưng công ty bảo hiểm thì không được "hủy ngang" với bất kỳ lý do nào. Và nếu có bất cứ tranh chấp nào xảy ra mà phải đưa ra tòa, mọi "điều khoản không rõ ràng" trong hợp đồng luôn phải được hiểu/lý giải theo hướng có lợi cho ... khách hàng. Vì vậy câu chân lý "Khách hàng có thể lừa Công ty Bảo hiểm chứ Công ty Bảo hiểm không lừa khách hàng"  hoàn toàn chính xác!..

Tuyệt vời chưa? Hoàn toàn tuyệt vời! Nhưng tuyệt vời theo VietHoa tôi là tuyệt vời của lập luận và của lý thuyết. Còn thực tế thì sao?

Nhưng xin hãy đọc tiếp một lập luận và luận điệu của một đồng chí tư vấn bán bảo hiểm xong (thu tiền rồi sau 2- 3 năm) khi nhận được điện thoại của người mua than khó khăn có ý muốn rút hợp đồng và trách móc tư vấn, than bản thân đã nể nang. Chị ta nói như sau:” Tham gia Bảo hiểm Nhân thọ phải nằm trong khả năng tài chính của nhà chị. Hợp đồng chị đã đọc hàng tháng giời. Em cũng đã bảo là Công ty Bảo hiểm người ta dùng tiền đi kinh doanh…Chẳng ai cho ko ai cái gì. Cái gì cũng có giá của nó chị nhé. Kinh doanh có lời, có lỗ. Cả tháng giời em đã trả lời tất cả các câu hỏi của chị. Chị và gia đình đồng ý tham gia. Chị và gia đình toàn quyền lựa chọn gói bảo hiểm. Ai biểu ham hố đóng cao so với khả năng rồi bây giờthan thở và đổ thừa lung tung thế? (@VietHoa nhận xét: quá đúng mà cũng quá phũ phàng). Xem ra, câu nói: “Trâu không uống nước không ai ghì đầu trâu được”thật đúng ở đây!

Tới đây thì người soạn bài có một câu giá như với Nhân viên tư vấn và bán bảo hiểm, khi tư vấn cho người ta mua Bảo hiểm Nhân thọ, người tư vấn kia thử choang một câu rất thực tế thôi: “Chị nên nhớ rằng: số tiền chị đóng bảo hiểm đợt này em sẽ được phết phảy chén từ 30 – 40% đó chị ạ. Cho nên, sau 2- 3 năm không đóng nữa thì chị chỉ mang về khoảng 15 % tổng số đóng vài năm đó chị à. Suy nghĩ cho kỹ nha!”.

Giá như choảng câu đấy thì…ô hô! Dẹp tiệm ngay cho sớm. Thì ra, cái cách PR trên đời này thật quái kiệt lung linh!

Rất nhiều người than phiền đại khái rằng: nhân viên bảo hiểm họ gọi điện thoại tới nhiều quá, mệt quá. Hình như họ không muốn để cho ai yên. Họ làm cứ như là ta mắc nợ. Nhiều người do nể và không muốn phiền phức mãi nên mua cho xong. Nhiều người cũng bị thuyết phục vì lời lẽ ngon ngọt. Rồi tới gặp trực tiếp mời tham gia hội thảo, mời mua cho người thân của mình. Rồi xin ghé tặng quà… Đúng là thân thiết đến sửng sốt. Nhưng hầu như 100% tư vấn theo kiểu chỉ nói những mặt tốt, lợi ích của bảo hiểm mà không tư vấn rõ ràng các điều khoản, các trường hợp bị loại trừ... Tóm lại, đa phần họ tô hồng các dịch vụ bảo hiểm một cách thái quá chỉ để mong bán được. 
Như trên tôi đã nói: Những lời tư vấn vàng của anh bạn về Bảo hiểm Nhân Thọ là tuyệt vời! lý thuyết quá tuyệt vời. Còn thực tế thì:

Trường hợp thứ nhất: một người tham gia bảo hiểm với mức 800.000 ngàn đồng một tháng, sau 2 năm 3 tháng, người này yêu cầu chấm dứt không tham gia nữa, số tiền còn được nhận: 3.200.000 đồng. Người này choáng với thực tế. Tất nhiên, hình như anh ta không hiểu?? Càng không được choảng câu “giá như” tôi ao ước bên trên.

Trường hợp thứ hai: Một ông bạn được tư vấn đủ thứ bảo hiểm và nhiều loại hình bảo hiểm đến…ù tai. Anh thường ra ngoài công tác nhìn thấy những người tàn tật rất khổ cực. Anh đồng ý mua suất bảo hiểm tàn tật. Oái oăm khi anh bị tai nạn bó bột và nằm một chỗ 6 tháng nhưng bảo hiểm tàn tật không trả đồng nào, chỉ bồi thường trong trường hợp mất hẳn một phần cơ thể - điều anh không được tư vấn trước khi mua 

Trường hợp thứ ba Một anh mua Bảo hiểm Nhân thọ cho gia đình trọn gói 80 triệu đóng trong 15 năm (mỗi năm đóng 8 triệu – làm tròn). Anh chỉ có khả năng đóng đến năm thứ 3 thì tài chính không cho phép. Anh xin rút. Công ty bảo hiểm chỉ thanh toán cho anh được hơn 4 triệu đồng. Số hơn 10 triệu trót đóng tất nhiên đã vào chi phí, vào hoa hồng và vào đủ thứ linh tinh khác. Xót của nhưng theo như nhân viên Bảo hiểm thanh toán của Công ty thì anh được “ưu ái” chứ ở những lĩnh vực khác khi ký hợp đồng rồi mà hủy ngang thế này còn bị “phạt” thêm chứ ai thanh toán ngần ấy tiền (?).

Trường hợp thứ Tư: Một người mua Bảo hiểm Nhân thọ vì nể thân quen với nhân viên tư vấn bảo hiểm. Đóng tiền rồi mới nhận Hợp đồng, đọc kỹ ra thì mới biết chỉ BH khi tử vong mà tử vong vì đánh nhau, thai sản cũng không được hỗ trợ. Thế là thất vọng, mua thì mua rồi bỏ cũng dở mà đóng cũng dở. 
Trường hợp thứ...N 
 
 
Híc! Nói như vậy là hàm ý gián tiếp bảo khoản Bảo hiểm Nhân Thọ là xấu à?  Không hề! người soạn bài khẳng định lại một lần nữa:

Bảo Hiểm không bao giờ xấu nhé! Bao nhiêu hình thức bảo hiểm tốt tuyệt vời. Thiết thực và thiết thân như Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm tài sản…

Riêng Bảo hiểm Nhân Thọ cũng tốt nhé. Ai chứ khoản bảo hiểm này nó tồn tại ở Châu Âu và các nước văn minh biết bao nhiêu năm. Cái sự ưu việt của nó không cần phải bàn và các nhân viên tư vấn đã thuộc lòng và khai thác, truyền đạt cho bà con từ góc bếp đến hội trường khách sạn 5 sao. 

Một nhà nước khi cho phép một công ty bảo hiểm thành lập và hoạt động thì họ đã làm 2 động tác căn bản và thiết thực nhất: Duyệt rất kỹ từng điều khoản; có qui chế luật hoạt động rất chi tiết và bắt buộc Công ty bảo hiểm phải đóng tiền ký quĩ đủ để thanh toán cho người tham gia bảo hiểm một khi Công ty đó vỡ nợ hoặc phá sản.

Rõ ràng, Bảo hiểm Nhân thọ không xấu một chút nào mà rất có lợi ích. Nhưng nó sẽ tốt nếu chúng ta, những người bán Bảo hiểm và người mua có thiện ý, có suy xét tốt và có trách nhiệm lương tâm tốt! Ngoài ra, ở Việt Nam chúng mình mua bảo hiểm còn phải đề cập đến khi tình hình kinh tế tốt không bị lạm phát nhiều. Thêm nữa, hình thức Bảo hiểm đưa ra cũng cần xem xét yếu tố có phù hợp với văn hóa và quan niệm không. Ví như nói như anh bạn kia: Một khi mua bảo hiểm Nhân thọ cho đứa con. Nếu chẳng may đứa trẻ có mua Bảo hiểm Nhân thọ mà bị tai nạn tử vong thì bố mẹ nó được 1 cục tiền (500 triệu). Lấy cục tiền để làm gì? Con chết rồi thì cần gì cục tiền đó. Lấy về để đi du lịch chắc? Lúc nó còn sống thì bắt nó nhịn ăn, nhịn chơi, nhịn mặc để dành tiền đóng bảo hiểm; đến lúc chết thì tiền cho ai xài? 
Liệu bố, mẹ đứa bé cầm đồng tiền đấy thấy cảm giác thế nào? Nuôi con bao nhiêu năm, nâng giấc, bế bồng, yêu thương mà chẳng may nó bị như thế chắc gì bố mẹ nó thiết sống nữa nói gì nghĩ đến tiền. Hỡi quí vị lý sự và lý luận cái lợi lộc để ru ngủ người đời kiểu đó thiết nghĩ không nên. Biết nhà người ta nghèo thì đừng có tán hươu tán vượn vậy, khổ người ta.

Ô hô!!! Còn cái đoạn Bảo hiểm Nhân thọ, nói như để dành tiền? Vâng! Nói cái này ở nước ngoài thì quá chân lý nhưng ở Đất Việt ta thì bà con cũng nên xem xét kỹ. Kỹ ở chỗ: sau này có rút ra thì cũng đủ thứ nhiêu khê, xem xét giống như trường hợp Bà Ngoại nhà tôi. Hoặc giả, có suôn sẻ tới 15 năm thì…đồng tiền khi mua bảo hiểm khoảng 2 ngàn/1 bánh mì. Nhưng tới lúc rút ra thì…6 ngàn/1 bánh mì. Hi hi! Cũng vẫn là tiền có đồng, cá có con đấy chứ.

Nói đến trách nhiệm lương tâm của người tư vấn bán bảo hiểm (và cả Công ty Bảo hiểm NT): Những chữ "rủi ro" và "bảo vệ" hay được bảo hiểm nhân thọ sử dụng nhất, và sử dụng rất mập mờ. Lưu ý là có cả triệu triệu loại rủi ro khác nhau, nhưng không phải loại rủi ro nào bảo hiểm nhân thọ cũng thanh toán hợp đồng cả. Chính xác thì bảo hiểm nhân thọ chỉ thanh toán hợp đồng trước thời hạn trong trường hợp duy nhất là người mua bảo hiểm tử vong/chết sớm. Và không phải loại tử vong nào cũng được thanh toán. Cái này cần minh bạch nói rõ cho người ta biết chứ đừng nói chung chung là “khi rủi ro được thanh toán hay bảo vệ” mà tội nghiệp.

Những câu chuyện như ông kia, bà nọ mới mua bảo hiểm được vài tháng, đi xét nghiệm bị ung thư, rồi qua đời xong rồi được bảo hiểm nhân thọ thanh toán hợp đồng rất ít khi xảy ra và nó luôn được các nhân viên tư vấn học thuộc để mang đi hù dọa người khác và quảng cáo về tính ưu việt của Bảo hiểm Nhân thọ. Khi vấn đề rủi ro xảy ra, người có trách nhiệm thanh toán sẽ có ngay cụm từ "tử vong trong diện quy định của công ty" để trao đổi cho người bảo hiểm. Và, thế là hành trình đi tìm…trong diện qui định bắt đầu! Có rất nhiều loại rủi ro mà bảo hiểm nhân thọ không thanh toán: - Bạn làm ăn thua lỗ, phá sản, thất nghiệp dẫn đến không có khả năng tiếp tục hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp này bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ không thanh toán. Vậy thì tư vấn câu “bảo vệ tài chính của người trụ cột” chỉ là …nói cho có. - Bạn bị bệnh nan y, bệnh tai nạn không tử vong mà chỉ mất sức lao động, không đi làm được nữa chắc chắn Bảo hiểm Nhân thọ không bao giờ  thanh toán 500 triệu, 1 tỷ, 2 tỷ gì gì đó. Rõ ràng trong các loại rủi ro, thì rủi ro mà người mua bảo hiểm "tử vong trong diện quy định của công ty" là thấp hơn rất nhiều so với các loại rủi ro như phá sản, mất sức lao động, tai nạn, bệnh kinh niên, ...

Còn đây, khi ký hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ đã mấy ai truy cập Intenet mà đọc kỹ cái  “định nghĩa về thương tật vĩnh viễn của Bảo Hiểm” ?? Xin dẫn một định nghĩa về thương tật vĩnh viễn của một công ty Bảo hiểm Nhân thọ (thông tin trên trang web HSBC): " thương tật hoàn toàn vĩnh viễn có nghĩa là việc mất hoàn toàn khả năng thực hiện công việc thường làm hoặc bất kỳ công việc nào khác mà người được bảo hiểm được trang bị đủ kiến thức hoặc được đào tạo để làm. Việc mất hoàn toàn khả năng làm việc như vậy kéo dài ít nhất 104 tuần hoặc vào cuối thời hạn 104 tuần này, người được bảo hiểm không có hy vọng hồi phục, cải thiện tình trạng sức khoẻ" 

Người ít chữ có thể đơn giản hiểu rằng: sau khi tai nạn xảy ra đúng trong diện qui định của Công ty thì hai năm sau  mới được bồi thường? Hay là sẽ được giải thích khác hơn? 

Vậy thì lời khuyên của người soạn bài là thế nào?

Thật đơn giản: 

Một là: hãy nhớ rằng cơ quan bảo hiểm vốn là một tổ chức kinh doanh. Kinh doanh thì phải có lãi chứ không phải là tổ chức bao cấp hay từ thiện. Vậy thì, trước khi đặt bút ký vào một hợp đồng bảo hiểm phải coi người đối tác của mình là một người buôn bán. Đã buôn bán thì phải có xem xét và thương lượng. Nhưng cái thương lượng ở đây thì chúng được gi trong hợp đồng. Vậy thì, bạn phải đọc kỹ từng câu, từng chứ và phải hiểu nó như chính ý chí của người soạn ra hợp đồng ấy. Nếu không có luật sư thì tất cả những dòng in nghiêng, trong ngoặc, in chữ nhỏ như ghi chú…cần phải nghiền ngẫm và suy xét thật kỹ. Chữ càng nhỏ hơn chữ khác càng phải đọc kỹ. Hãy nhớ lúc xem ti vi khi mục quãng cáo người ta nhấn mạnh cái ư việt của sản phẩm bằng cả sự reo, hét. Nhưng ít nhiều thì nó cũng hạ giọng xuống là:” Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng!”. Người mua bảo hiểm cũng vậy. Hãy đọc kỹ trước khi ký vào.

Hai là: Phải nhớ như in rằng rất nhiều người tiếp thị khi muốn chúng ta mua sản phẩm của họ thì ca tụng tới mấy xanh nhưng sau khi mua rồi thì thật khó tìm họ để bảo hành. Các cụ có câu nói rất hay và cũng tục:” Qua sông đấm B…vào sóng”. Có lẽ cũng cần họi ngược lại một câu rằng: giả sử khi tôi mua được khoảng chục năm mà công ty bảo hiểm (hay chi nhánh này) bị phá sản thì số phận hợp đồng này sẽ như thế nào? Lẽ tất nhiên, lúc ấy người ta sẽ tìm đến số tiền ký quĩ. Nhưng, cái hồ sơ, bản khai, chứng thực…sẽ thật là mệt mỏi

Khi người ta tư vấn vì muốn bán được hợp đồng nên thường không nói cho khách hàng biết về những điều khoản loại trừ. Chua xót thay:  Khi người mua mắc phải một trong những điều khoản loại trừ này sẽ không được Công ty thanh toán khi có sự cố xảy ra. (Mà trong hợp đồng có rất nhiều điều khoản loại trừ). Vậy nên, trước khi ký Hợp đồng Bảo hiểm không chỉ đọc thật kỹ hợp đồng mà còn phải tìm vào Website của họ đọc nữa; tham vấn ý kiến luật sư nữa… sau khi tìm hiểu kỹ, so sánh các loại sản phẩm khác nhau và các công ty rồi bàn bạc gia đình để quyết định. Ai có điều kiện tài chính thì nên mua Bảo hiểm Nhân thọ. Họ có thu nhập cao mua không ảnh hưởng cuộc sống. Nhất là những người thường xuyên di chuyển công vụ, làm việc ngoài khơi, môi trường mạo hiểm…Khi họ tử vong thì con cái họ vẫn có tiền. 

Cái chính là khi mua nên cân nhắc kỹ đừng vì nể mối quan hệ quen biết mà mua. Tư vấn có trách nhiệm giải thích các điều khoản trong hợp đồng cho mình rõ. Thực sự việc mua bảo hiểm là cần thiết nhưng chỉ nên dùng khoảng 5% thu nhập của gia đình để không lo chạy tiền đóng phí bảo hiểm, hơn nữa trong điều kiện kinh tế ở Việt Nam thì "trứng không nên để hết một giỏ". 


Ba là: Hãy nhớ cho nếu có người đề cập đến thực trạng người mua Bảo hiểm Nhân Thọ ở châu Âu và Phương Tây thì phải nhớ: Bên ấy mua nhiều, phổ biến. Nhưng họ chỉ bỏ ra một tỷ lệ % thu nhập không đáng kể để mua cho bản thân? Ví dụ, thu nhập khoảng 2000 $ - 5000 $/tháng. Số tiền bỏ ra mua bảo hiểm là không đáng kể. Nhưng ở Việt Nam chúng mình thì người bán bảo hiểm và tư vấn viên tìm cách thuyết phục bất kỳ ai, thậm chí cả người thu nhập thấp. Người thu nhập thấp mà đóng đến 50% thu nhập thì thật là mạo hiểm. Liệu tháng sau họ có đủ sức gồng lên đóng tiếp không? Rồi năm qua năm…dài đằng đẵng hơn chục năm trường??? Hãy liên hệ ngay đến hoàn cảnh của Anh Pha trong tiểu thuyết " BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG" của NCH. Nhà khó khăn thì đến một suất sưu hàng năm đóng còn lo vất vả huống hồ ở đây phí bảo hiểm đều đều đóng như vắt chanh! 

Nói đến bảo hiểm và những lời khuyên, người soạn bài muốn chuyển đến là: Cái bảo hiểm mà mỗi người Việt Nam nên mua nhất là bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế. Hai cái bảo hiểm này giá rẻ mà lại có khả năng phòng ngừa bất trắc vào lúc bất ngờ, nhất là với tình trạng giao thông, thực phẩm và môi trường như ở Việt Nam. Mặc dù đúng là khi đi khám bệnh bằng bảo hiểm y tế có thể bị phân biệt đối xử thì mọi người có thể khám dịch vụ bình thường, nhưng nó sẽ đỡ cho mình một khoản tiền lớn trong trường hợp mình bị bệnh gì gì tốn quá nhiều tiền.

Bảo hiểm nhân thọ thì như đã nói ở trên. Với không ít người, nó vô thưởng vô phạt và là một hình thức đầu tư không sáng láng. Nó giống như là lập một sổ tiết kiệm có thời hạn trên 10 năm mà nếu mình rút ra giữa chừng thì sẽ bị phạt một khoản tiền rất lớn. Và thực sự bảo hiểm nhân thọ lãi suất không cao, phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của họ. Vậy thì đóng bảo hiểm nhân thọ làm gì? Cứ lấy tiền đó bỏ vào sổ tiết kiệm không hơn à? Có một điểm phải thật sự lưu ý: Đó là bảo hiểm nhân thọ không chi trả tiền khám bệnh khám sức khỏe cho bạn. Đó là việc của bảo hiểm y tế. Nếu có thì bảo hiểm nhân thọ cũng chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ mà thôi. Vì vậy bảo hiểm nhân thọ vừa không có khả năng đầu tư sinh lời như quỹ tiết kiệm ở ngân hàng, vừa không có khả năng bảo vệ cho sức khỏe của bạn. Đôi khi suy ngẫm, ta có cảm tưởng như bảo hiểm nhân thọ giống hình thức hưu trí tự nguyện. Cách nó hoạt động cũng na ná như bạn đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng để khi về già được lãnh lương hưu như ở các nước phương Tây. 
Những loại hình Bảo hiểm Nhân Thọ như An sinh giáo dục, An hưởng hưu trí, An nghiệp thành công, Bảo An Bình, Bảo An toàn… và nhiều chương trình dịch vụ bảo hiểm khác chính là Bảo Hiểm Nhân Thọ. 

Đọc đến đây, sẽ có người hỏi VietHoa rằng:” Thế ông có mua BHNT không? Có mua thì ông phân tích tại sao mua. Không mua thì ông cũng lý giải tại sao không mua??”

Vâng! Tôi nói ngay thế này: Tôi cóc bao giờ mua bảo hiểm tích lũy nhân thọ cả, vì bọn tư bản giãy chết chúng nó mất giá đồng tiền thấp nên 20 năm sau lĩnh ra một cục xài cũng được đủng đỉnh. Còn xứ miềng nầy vài năm sau là cục tiền gửi vào Bảo Hiểm tóp lại còn 1/10 có mà đi tàu bay giấy. Tôi chả! À quên em chả!’.
 
Hình ảnh không nhất thiết phải là minh họa 
 
 
 
Hi hi! em được bảo hiểm từ đầu, cánh và bugi đánh lửa  nha
Cái này mấy ông tự bảo hiểm hay bảo vệ? 
Hic! con cứ trèo lên. Ngã đã có Bảo Hiểm  
 
Xin đừng nhắm vào những người mẹ tần tảo bữa sớm lo bữa tối thế này 
 
 
bà Lê Thị Thái thôn châu Trinh xã Tùng Ảnh tham gia Bảo hiểm nhân thọ được hai năm thì chồng
gặp rủi ro qua đời. Bà hưởng cái BHNT
 
Tôi chỉ có một ước mơ: Nhân viên tư vấn BHNT cố gắng tư vấn kỹ càng...
 Ảnh: sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm