Theo báo cáo “Năng lực bảo vệ: Niềm tin vào tương lai” do ngân hàng HSBC vừa công bố, 65% người tham gia khảo sát cho biết sức khỏe chính là điều khiến họ lo ngại nhất, tiếp đến là sự ổn định tài chính trong dài hạn (gần 47%).
Điều đáng nói là nhiều người thừa nhận vẫn chưa có kế hoạch bảo vệ cho chính mình trước những rủi ro này.
Khảo sát hơn 11.000 người tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, HSBC nhận thấy có 4 mối lo ngại chính liên quan đến sức khỏe, bao gồm: Sức khỏe suy yếu khi về già (65%); chi phí y tế (57%); điều kiện của gia đình (55%) và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế (51%).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tình trạng sức khỏe kém kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người về nhiều mặt, nhất là chất lượng cuộc sống (79%), trạng thái tinh thần (70%), khả năng kiếm sống (66%), gia đình (65%) và mối quan hệ vợ/chồng (64%).
Trong số những người xem sức khỏe là mối bận tâm hàng đầu, 41% cho biết họ chưa chuẩn bị tài chính cho những vấn đề sức khỏe đột xuất. Trong số đó, 34% chưa có bất kỳ chuẩn bị gì và 7% tuy có thể xoay sở được nhưng cũng thừa nhận họ chưa có kế hoạch cụ thể.
Đối với những người lo ngại nhất về sự ổn định tài chính trong dài hạn, 49% cho biết họ không thể giải quyết tốt vấn đề tiền bạc nếu có sự cố bất ngờ xảy ra ảnh hưởng đến an toàn tài chính của họ, trong đó tỷ lệ chưa có bất cứ chuẩn bị gì chiếm tới 38%.
Cũng theo khảo sát, có tới 60% người tham gia khẳng định họ không phải người chịu trách nhiệm đảm bảo ổn định tài chính cho bản thân và gia đình nếu có điều gì bất trắc xảy ra khiến họ mất khả năng kiếm tiền.
Trong số này, 26% nghĩ bổn phận này thuộc về Nhà nước, 20% nói thuộc về gia đình họ và 14% cho rằng đây là trách nhiệm của nhà tuyển dụng. Chỉ 40% thừa nhận ổn định tài chính là trách nhiệm của chính bản thân mình. Mỹ dẫn đầu về quốc gia có số lượng công dân tự chịu trách nhiệm đối với bản thân trong cuộc khảo sát (54%).
Hơn một nửa số người tham gia khảo sát (53%) cho biết họ đang cân nhắc việc mua bảo hiểm nhưng vẫn chưa thực hiện chủ yếu vì lý do giá cả. Họ cho rằng sản phẩm bảo hiểm quá đắt tiền. Những nguyên nhân khác khiến họ không mua bảo hiểm là vì chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm hoặc lo ngại về những điều khoản loại trừ hay giá trị bảo hiểm được chi trả (38%), họ chưa cần đến bảo hiểm hoặc đây chưa phải là ưu tiên hàng đầu của họ (31%), họ để trách nhiệm đó cho người khác lo liệu hoặc do họ quá bận rộn (20%).
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngành bảo hiểm nhân thọ trong năm 2015 đạt mức tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tổng doanh thu từ phí bảo hiểm năm qua tăng 29,5% so với năm 2014 và doanh thu từ hợp đồng mới tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Kris Werner, Giám đốc Khối Tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của HSBC Việt Nam, điều này cho thấy nhận thức về nhu cầu bảo hiểm của người Việt Nam đã được cải thiện.
“Tuy nhiên, khi tiếp xúc với khách hàng, chúng tôi nhận thấy họ vẫn còn khá lưỡng lự khi quyết định tham gia bảo hiểm vì một suy nghĩ phổ biến: họ không đủ khả năng chi trả phí bảo hiểm. Mặt khác, họ có xu hướng quan tâm đến lãi suất tiết kiệm nhiều hơn là những phương thức phòng ngừa rủi ro và bảo vệ bản thân, trong khi đây lại là yếu tố chính của hợp đồng bảo hiểm. Điều này có thể lý giải vì sao ước tính hiện chỉ có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ” - ông Kris Werner cho biết.
“Mối bận tâm hàng đầu của chúng ta chính là không thể tự chăm sóc cho chính mình hay cho gia đình một khi bản thân không còn khỏe mạnh. Do đó, lên kế hoạch rõ ràng nhằm chắc chắn một khoản dự phòng cần thiết cho những trường hợp không may đột ngột xảy ra là hết sức quan trọng. Không bao giờ quá muộn để lập kế hoạch đảm bảo cho tương lai của chính mình” – chuyên gia này kết luận.
Theo ĐP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét