Báo cáo Hội đồng quản trị của bảo hiểm Bảo Minh cho thấy, doanh thu hoạt động tài chính năm 2014 của Công ty là 169,78 tỷ đồng, dù đạt 111,7% kế hoạch nhưng chỉ bằng 88,7% so với kế hoạch năm 2013.
Còn theo Báo cáo thường niên của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC): “Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính năm 2014 đạt 109,835 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm 2013, chủ yếu do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tiền gửi giảm 10% so với năm ngoái”.
Trong cơ cấu danh mục đầu tư của BIC, đầu tư tiền gửi chiếm tới 75,5% tổng giá trị danh mục. Soi lợi nhuận trước thuế của BIC thì lợi nhuận từ đầu tư tài chính chiếm tới 99% tổng lợi nhuận, trong khi lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm rất khiêm tốn.
BIC không phải là trường hợp hiếm có phần lớn lợi nhuận đến từ đầu tư tài chính. Theo thống kê của Bộ Tài chính thì tiền gửi chiếm khoảng 70% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp và theo số liệu đã qua kiểm toán năm 2014 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như PTI, PJICO, MIC, lợi nhuận từ đầu tư tài chính cũng mang lại tới hơn 80% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này.
Kết quả là, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp phi nhân thọ tiếp tục giảm, thậm chí một số doanh nghiệp có tăng trưởng âm.
Lãi suất giảm lại ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
Hướng đi nào cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi lãi suất tiếp tục giảm sâu?
Trong một cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước đầu năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2015, nếu có điều kiện sẽ giảm thêm lãi suất, song việc duy trì lãi suất ổn định như năm 2014 là hết sức khó khăn. Bởi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 mà Quốc hội đặt ra cao hơn (6 - 6,2%), nhu cầu về vốn tăng… khiến áp lực tăng lãi suất là rất lớn, dù đây là điều NHNN không mong muốn.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng, lãi suất đang ở mức cao so với lạm phát (lạm phát năm 2014 chỉ 1,84%). Do đó, năm 2015, ngay cả khi lạm phát quay lại mức 4 - 5%, thì lãi suất vẫn có thể giảm thêm, cụ thể, lãi suất huy động sẽ giảm thêm mức từ 0,5 - 1%/năm và lãi suất cho vay giảm thêm mức 1 - 2%/năm. Tiếp tục giảm sâu lãi suất cũng là giải pháp chung của các ngân hàng để giải quyết đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong Báo cáo thường niên 2014, Công ty Bảo hiểm PTI cho biết: “Năm 2015, PTI sẽ tăng tỷ trọng đầu tư vào các khoản thu nhập ổn định, đem lại tỷ suất sinh lời cao hơn đầu tư tiền gửi ngân hàng và thu hồi được trong năm”.
Thực tế, bên cạnh đầu tư tiền gửi, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng dành khoảng 20% danh mục cho đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn… và thực tế các năm qua đã phải trích lập các khoản lớn để dự phòng giảm giá chứng khoán cũng gây giảm sút lợi nhuận tài chính. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chuyển bớt danh mục sang các loại tiền gửi có kỳ hạn dài và vào trái phiếu chính phủ để tăng lợi nhuận, đồng thời hạn chế bớt lượng đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hay góp vốn, nhưng giải pháp này cũng khó cải thiện tình hình khi kênh trái phiếu chính phủ cũng có xu hướng giảm khả năng sinh lời.
BIC cũng cho biết, năm 2015 sẽ tiếp tục duy trì lãi từ kinh doanh bảo hiểm và đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 115 tỷ đồng (tăng nhẹ so với con số năm 2014 đạt 111 tỷ đồng), có tính tới các yếu tố lãi suất huy động tiếp tục giảm ảnh hưởng tới việc tăng lợi nhuận từ đầu tư tài chính.
MIC, một doanh nghiệp đang được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục cải thiện vị trí thứ hạng trong Top 10 về thị phần, năm 2015 cũng đã đặt mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, tạo đột phá về tăng trưởng doanh thu, triển khai mô hình kinh doanh bán chéo trong tập đoàn, tái cấu trúc các dự án bất động sản và tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, điều hành để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng khẳng định sẽ đi theo chiến lược kinh doanh hiệu quả, chú trọng lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn là mở rộng theo quy mô thị phần như trước đây. Một số giải pháp cho hướng đi này là thắt chặt quản lý rủi ro, kiểm soát chi phí hoạt động, rà soát và đánh giá hiệu quả danh mục sản phẩm, nâng cao chất lượng bồi thường và dịch vụ khách hàng.
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cốt lõi chỉ mang lại một phần nhỏ trong tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp, khó có thể tăng đột biến và cần một chiến lược phát triển lâu dài, kiên trì. Một số doanh nghiệp có lãi từ kinh doanh bảo hiểm năm 2014 cho biết, sở dĩ có lãi lại là do hoàn nhập dự phòng!
Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong top đầu đã từng thừa nhận: “Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ không lỗ là may!”. May là bởi, chi phí mà doanh nghiệp phải cõng cho lĩnh vực kinh doanh lõi không hề nhỏ, bên cạnh chi phí bồi thường mà nếu ở mức an toàn cũng phải từ 40 - 50%, còn phải tính đến các chi phí khác như: chi phí hoa hồng (10%), chi phí quản lý (20%), chi phí mở rộng kinh doanh… Như vậy, việc trông chờ một sự đột biến ngay lập tức từ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm là điều khó khả thi.
Chính vì vậy, mục tiêu lợi nhuận của khối phi nhân thọ năm 2015 rất khiêm tốn. PTI đặt kế hoạch lợi nhuận từ đầu tư tài chính năm 2015 là 70 tỷ đồng, mức tăng nhẹ nhàng so với con số 67 tỷ đồng năm 2014, kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế là 89 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 82 tỷ đồng năm 2014.
Bảo hiểm PJICO với lợi nhuận tài chính năm 2014 thậm chí giảm so với năm 2013 (2014: 92 tỷ đồng, 2013: 121 tỷ đồng) thì năm 2015 cũng chỉ đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế là 105 tỷ đồng, thấp 4% hơn so với mức đạt được năm 2014. Bảo hiểm Bảo Việt đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 331 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với mức đạt được năm 2014. Kế hoạch doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất của bảo hiểm Bảo Minh là 152 tỷ đồng, bằng 88,5% năm ngoái.
Mặc dù lợi nhuận khó tăng cao do áp lực của lãi suất ngân hàng, nhưng 2015 lại được kỳ vọng là một năm thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển đi vào thực chất, hoàn thiện môi trường cạnh tranh. Báo cáo thường niên năm 2014 của BIC phân tích: “Thị trường bảo hiểm sẽ phát triển thực chất hơn với các nỗ lực hướng tới hiệu quả của doanh nghiệp bảo hiểm. Đa phần các doanh nghiệp sẽ chú trọng mục tiêu lợi nhuận hơn là doanh thu, theo đuổi chiến lược hiệu quả để phát triển bền vững”.
Theo đuổi chiến lược hiệu quả đồng nghĩa với lợi nhuận từ kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp sẽ có xu hướng cải thiện và về lâu dài, các doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào nguồn lợi nhuận này.
Theo ĐTCK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét