chia sẻ

SINH VIÊN: CÓ NÊN LÀM THÊM KHÔNG?


“Cứ lo học hành cho đàng hoàng đi, ra trường rồi muốn làm gì thì làm, không có làm thêm làm thiếc gì hết!”. Không biết các bạn thì sao, còn tôi thì đã nghe câu nói này hàng tỉ lần rồi. Mà chắc cũng không đến hàng tỉ lần đâu, chỉ biết, đó là câu nói thường trực ngay cửa miệng của ba mẹ tôi từ khi tôi xa nhà và bắt đầu đời sống sinh viên của mình. Học đại học sướng thật, chẳng phải lên trường mỗi ngày! Tôi có rất nhiều thời gian rảnh để làm những thứ mình thích như ăn, ngủ, xem phim, facebook,… Nhưng, cái gì nhiều rồi sẽ thành thừa thải và tôi bắt đầu tự hỏi: “Nên hay không đi làm thêm đây? Và nếu đi làm thêm thì mình nên làm gì?”.
Nếu có một công việc bán thời gian trong thời sinh viên, chi phí cơ hội bạn phải bỏ ra là gì?
Bớt đi một chút facebook mỗi ngày, một chút thời gian xem phim, và vài buổi tán gẫu với bạn bè.
Thêm vào một chút mệt mỏi vì phải dậy sớm hay về khuya, phải chạy quần quật cả ngày, một vài bực bội nho nhỏ nữa với chủ, hoặc với cái đứa đang làm chung với mình.
Và rồi mùa thi đến, bạn bắt đầu thấy áp lực kinh khủng khi không thể cân bằng giữa việc học và việc làm. Bạn có vẻ giảm phong độ hơn trong học hành vì giờ đây, nó không còn là mối quan tâm hàng đầu của bạn nữa.
Một công việc làm thêm có vẻ như đem lại nhiều rắc rối cho bạn quá nhỉ!? Đó là lý do vì sao, nhiều bạn sinh viên quyết định tập trung vào việc học tập của mình, không tham gia vào hoạt động hay công việc làm thêm nào cả. Cũng đúng thôi, vì dù sao, học tập vẫn là việc quan trọng nhất bạn cần hoàn thành trong thời điểm hiện tại mà. Vậy thì, bạn sẽ có rất nhiều thời gian mỗi ngày cho việc học tập, hãy sử dụng nó thật khôn ngoan!
Description: lam them sinh vien
Nhưng, một việc làm thêm thời sinh viên cũng mở ra cho bạn rất nhiều cơ hội thú vị. Bạn sẽ có được một môi trường được luyện tập thường xuyên các kỹ năng mà công ty nào khi tuyển dụng cũng yêu cầu, như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý, sắp xếp thời gian,… Những món nghề ấy không phải là bạn không được học trong trường đại học, thậm chí, một số trường còn dành riêng một môn học cho nó nữa. Nhưng lúc ấy bạn lại học vì điểm, và những kiến thức giảng viên truyền đạt không thú vị bằng vài câu chuyện “ chém gió” vớ vỉnh của mấy đứa bạn bên cạnh.
Chỉ khi tiếp xúc với những khó khăn và áp lực công việc rồi bạn mới biết rằng, mình cần phải khéo léo hơn trong giao tiếp, tự tin hơn trong lúc thuyết trình, sắp xếp thời gian hiệu quả hơn, giảm bớt cái “tôi” lại, điểm tĩnh hơn để tránh xảy ra những mâu thuẫn không đáng có với đồng nghiệp của mình. Còn rất rất nhiều thứ, mà chỉ khi đi làm thêm, bạn mới có thể trải nghiệm và tự rút ra cho mình những bài học đáng giá được.
Đã có lúc, tôi phải lao tâm khổ trí khi đứng giữa quá nhiều sự lựa chọn, và tôi chợt nghĩ : “Tại sao mình không tham lam hơn nhỉ ?”. Tìm một việc làm thêm hay tham gia hoạt động ở một câu lạc bộ nào đó, bận rộn thật, nhưng đâu có nghĩa là bạn sẽ không chu toàn được việc học của mình.
Trò chuyện với chị Phạm Hoàng Thiên Thanh, AYPer 27, sinh viên năm 3, trường đại học Công Nghiệp, tôi chợt ngộ ra nhiều “chân lý” sâu sắc. Không ngờ bà chị với vẻ ngoài trẻ trung và vóc dáng nhỏ nhắn này đã từng xông pha trên rất nhiều “chiến trường”: là thành viên của Ban chấp hành Đoàn khoa, từng có hơn nửa năm làm việc cho Shop thời trang, tham gia tổ chức nhiều sự kiện cho Lit Team, hiện chị vừa là cộng tác viên cho eMarketing Team, vừa là nhân viên của quán café UrbanStation. Chị chia sẻ: “Chị tham gia nhiều như vậy vì sợ rằng, nếu rảnh quá, chị sẽ trở thành con người lười biếng. Làm nhân viên ở quán Urban Station, chị thấy mình cần phải chủ động hơn nữa trong việc nói chuyện, hòa nhập với các bạn nhân viên trong quán chứ không có đợi người khác phải mở lòng với mình như hồi trước nữa. Chị còn học được cách pha chế Barista – sở thích của chị, gặp và nói chuyện được với nhiều người thuộc nhiều độ tuổi, công việc khác nhau.” Thấy chị làm nhiều, chạy nhiều quá, vậy mà khi hỏi về việc học, khuôn mặt chị rạng rỡ, ánh mắt ánh lên đầy sự tự hào: “Hiện tại chị rất hài lòng về việc học của mình. Cũng có thời gian làm nhiều quá, nên việc học bị sa sút, nhưng chị đã kịp thời chấn chỉnh vì chị muốn tốt nghiệp loại giỏi mà. Chị muốn khi ra trường là phải có việc làm ngay, không phải tốn thêm thời gian xin việc nữa”.
Description: the-timeline-of-love
Thiên Thanh trong hoạt động hiến máu cùng AYP
Ngoài bà chị “ hoa hồng có gai” kia, tôi còn được mục sở thị nhiều con người mà với những kết quả họ có được trong thời điểm hiện tại đã phá bỏ hoàn toàn tư duy cũ kĩ trước đây của tôi: “Trời, chỉ có “Thánh” như anh Trí mới làm được!”.
Description: sp
Sản phẩm kinh doanh của Chánh
Cuộc trò chuyện với anh Huỳnh Ngọc Chánh, AYPer Đà Nẵng khóa 1diễn ra thật thú vị! Anh có duyên với Sell, thích kinh doanh buôn bán ngay từ rất trẻ. Thế nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, gian hàng bánh mì với kết quả “thúi hoắc”- như anh chia sẻ – đã cho anh thêm một ít vốn lận lưng ngay từ những ngày đầu “khởi nghiệp”, đó là bài học từ sự thất bại. Nhờ đó, anh có thêm sự khôn ngoan hơn cho những lần kinh doanh sau. Hiện tại, anh đang quản lý kênh mua bán Mực Tẩm online, anh nói: “Khi thực hiện dự án này, anh mong muốn sản phẩm quê mình được đưa đi xa hơn, chứ không gói gọn trong Đà Nẵng nữa. Mỗi ngày, anh chỉ bỏ ra cho mình khoảng 1 tiếng để quản lý trang bán hàng online và hoạt động sản xuất, chuyển hàng của người làm thuê. Nhờ có nhiều lần làm việc kinh doanh, anh nhận ra rằng, để sản phẩm của mình có thể phát triển. mình phải tìm ra được một thị trường sẵn có nguồn khách hàng dồi dào. Anh cũng học được cách quản lý tài chính hiệu quả hơn, luôn luôn chuẩn bị vốn lưu động phòng các trường hợp bất thường xảy ra.”.Chàng sinh viên năm cuối đại học Hutech, với lợi nhuận bán mực tẩm từ 12 đến 14 triệu đồng mỗi tháng, vẫn dành thời gian thu xếp cho việc học của mình. Anh mong muốn tốt nghiệp loại Khá, sau đó, sẽ thực hiện ước mơ “thương hiệu hóa” sản phẩm của mình, đem mực tẩm vươn xa ra tầm thế giới. Lời chia sẻ rất tự nhiên và chân thành từ những bạn trẻ ấy làm tôi có thêm niềm tin rằng: “Mình có thể đạt được điều mà mình mong muốn, chỉ cần mình thật sự tin và luôn cố gắng trong những việc mình đang làm. Vì vậy, hãy cho bản thân quyền được tham lam hơn đi!”.
Bài toán “liệu sinh viên có nên đi làm thêm hay không?” dẫu sao cũng chỉ có bạn mới tìm ra được đáp số mà thôi bởi bạn là người hiểu mình nhất, biết mình muốn gì và cần gì trong thời điểm hiện tại nhất. Nhưng trước khi đưa ra lời giải cho bản thân, hãy nhớ rằng, bạn chỉ có một thời sinh viên, một tuổi trẻ để sống và hành động bằng tất cả sự sôi nổi và nhiệt tình của mình thôi đấy! Nên dù bạn có lựa chọn ưu tiên cho việc học tập hay làm thêm, hãy thực hiện nó bằng tất cà sự nỗ lực của mình. Xin tạm kết bằng một câu nói mà tôi khá tâm đắt: “Không quan trọng bạn đang làm việc gì, điều quan trọng chính là bạn có học được gì từ những việc mình đang làm hay không!’’


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm