Nguồn nhân lực cấp cao trong lĩnh vực bảo hiểm hiện chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng
Năm 2015, nguồn nhân lực cần thiết trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là gần 350.000 người, đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ là gần 180.000 người. Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu về nhân sự sẽ tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, thị trường cần nguồn nhân lực phục vụ hoạt động tái bảo hiểm, đầu tư. Triển vọng trên đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý, các tổ chức tư vấn đào tạo phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là nhân lực cấp cao để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững.
Các quy định về nhân sự cấp cao tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tếVai trò quan trọng của bảo hiểm đã được khẳng định qua thực tiễn phát triển của các nền kinh tế, trong đó nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sự thành công của ngành kinh doanh dịch vụ đặc thù này. Tại Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm có nhiều quy định phù hợp với chuẩn mực quốc tế về các nội dung quản lý, giám sát, quản trị nguồn nhân sự cấp cao, có tác động quan trọng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đối với đội ngũ quản trị, điều hành và người dẫn đầu các bộ phận nghiệp vụ quan trọng trong doanh nghiệp bảo hiểm, tại Bộ Chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) ban hành, tiêu chuẩn và điều kiện đối với cán bộ quản trị, điều hành được quy định tại ICP5 - Sự phù hợp về nhân sự (Suitibility of Person).
Theo đó, chuẩn mực quy định việc cơ quan quản lý yêu cầu các thành viên HĐQT, các quản lý cấp cao, trưởng bộ phận nghiệp vụ, các vị trí quản lý chủ chốt, các chủ sở hữu chủ chốt đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm và tính phù hợp đối với vị trí đảm nhận.
Cụ thể: thành viên HĐQT, quản lý cấp cao có đủ năng lực và chính trực để thực hiện nhiệm vụ. Chủ sở hữu chính phải có đủ năng lực tài chính để hoàn thành vai trò của mình. Khi các thành viên trên không còn đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu thì cơ quan quản lý sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải chứng minh ban đầu và sau đó về sự phù hợp của các thành viên trên. Các yêu cầu về tính phù hợp và mức độ xem xét phụ thuộc vào vị trí và trách nhiệm của họ. Doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo khi có sự thay đổi về chức danh quản trị cũng như mức độ ảnh hưởng đến sự phù hợp của các chức danh này.
Tại Việt Nam, tương ứng với những quy định trên tại ICP5, pháp luật Việt Nam (Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành) cũng quy định các vị trí quản trị, điều hành trong doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn và đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về năng lực quản trị, kinh nghiệm làm việc đảm bảo sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, các quy định của Việt Nam về các chức danh quản trị điều hành trong doanh nghiệp bảo hiểm đã bao quát được gần hết các nội dung như quy định quốc tế tại ICP5. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định về việc cơ quan quản lý trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý khác trong và ngoài lãnh thổ khi cần thiết nhằm kiểm tra việc đáp ứng tiêu chuẩn của các chức danh nêu trên.
Đối với đội ngũ trung gian bảo hiểm (gồm đại lý và môi giới bảo hiểm), IAIS có quy định riêng tại ICP18. Theo đó, các trung gian bảo hiểm muốn được hoạt động phải đăng ký với cơ quan quản lý và đạt được chứng chỉ nghề nghiệp theo quy định. Đại lý bán các sản phẩm càng phức tạp sẽ đòi hỏi trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cao hơn, chuyên biệt hơn. Ngoài ra, đại lý bảo hiểm phải thường xuyên câp nhật kiến thức mới liên quan đến sản phẩm. Việc đào tạo thường xuyên cho đại lý cũng được quy định, theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi một khoản ngân sách tối thiểu cho công tác đào tạo.
Tại Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm có nhiều quy định phù hợp với chuẩn mực quốc tế về các nội dung quản lý, giám sát, quản trị nguồn nhân sự cấp cao, có tác động quan trọng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm như Ban điều hành, Hội đồng quản trị, chuyên gia tính toán, các trưởng phòng ban nghiệp vụ, các đại lý, môi giới bảo hiểm… Các quy định này hoàn toàn tuân thủ theo ICP18 do IAIS ban hành.
Trong đó, đối với môi giới bảo hiểm, quy định của pháp luật Việt Nam hiện khá chặt chẽ và cụ thể về tiêu chuẩn hoạt động của nhân sự chủ chốt, của người trực tiếp triển khai hoạt động môi giới.
Năm 2015 ước cần 530.000 nhân sự bảo hiểm
Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đưa ra một số dự báo về chỉ tiêu tăng trưởng của thị trường bảo hiểm, đi liền với đó là nguồn nhân lực được đáp ứng. Nguồn nhân lực cần thiết đến năm 2015 trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là gần 350.000 người (bao gồm cả đội ngũ cán bộ, nhân viên và đội ngũ đại lý), đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ là gần 180.000 người. Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu về nhân sự sẽ tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, thị trường cần nguồn nhân lực phục vụ hoạt động tái bảo hiểm, đầu tư. Như vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực cho thị trường Việt Nam là rất lớn.
Tiêu chuẩn chức danh tại Việt Nam, như trên đã nói, được quy định theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các quy định về tiêu chuẩn đối với chức danh chủ chốt hiện mới định lượng được về số năm kinh nghiệm tối thiểu và bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực dự kiến thực hiện.
Tình trạng thiếu hụt nhân sự cấp cao đủ năng lực đảm trách các chức danh chủ chốt trong doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn còn phổ biến. Bởi vậy, ở một số doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô vừa và nhỏ, nhân sự cấp cao từ cấp trưởng phó ban nghiệp vụ trở lên liên tục thay đổi, nhất là khi xuất hiện doanh nghiệp bảo hiểm mới trên thị trường, hoặc có sự mở rộng địa bàn, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện hữu.
Mặc khác, do thị trường nguồn nhân lực cấp cao hiện không đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng nên các doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận sử dụng một số vị trí nhân sự mà năng lực chưa hoàn toàn được đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cho dù đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý về trình độ, bằng cấp chứng chỉ, hay kinh nghiệm.
Giải pháp nâng chất nguồn nhân lực bảo hiểm
Những hạn chế nêu trên đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý, các tổ chức tư vấn đào tạo phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực cấp cao để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững.
Thứ nhất, cần mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo về bảo hiểm. Theo đó, các tổ chức đào tạo bảo hiểm tập trung cung cấp các khóa đào tạo về nghiệp vụ bảo hiểm, cả kiến thức và kỹ năng thực hành. Trong đó, việc vận dụng các kiến thức, ứng dụng các kỹ năng giải quyết tình huống trên thực tế là rất quan trọng.
Những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, gắn với các tình huống thực tế cần có sự phối hợp giữa các tổ chức đào tạo, Hiệp hội Bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm để các khóa đào tạo đạt hiệu quả cao. Những kiến thức và kỹ năng còn mới mẻ với thị trường Việt Nam thì cần tăng cường hợp tác đào tạo với các tổ chức đào tạo quốc tế và khu vực. Hiện Trung tâm Đào tạo bảo hiểm (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm) đang đẩy mạnh công tác đào tạo bảo hiểm theo định hướng này.
Bên cạnh các khóa đào tạo cho cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm ở trình độ cơ bản, cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, tính ứng dụng nghề nghiệp cao về từng nghiệp vụ thực hành trong doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp với các trường đại học để triển khai công tác thực hành nghề cho đối tượng là sinh viên bảo hiểm.
Từ đó, các sinh viên khi nhận việc tại doanh nghiệp bảo hiểm có thể đảm đương công việc được giao như những cán bộ đã làm việc được 1 - 2 năm, doanh nghiệp bảo hiểm không mất quá nhiều thời gian đào tạo lại cho các đối tượng này.
Về dài hạn, Trung tâm Đào tạo bảo hiểm hướng tới việc phối hợp với các đối tác là các trường đại học và cơ sở đào tạo bảo hiểm trong và ngoài nước để mở rộng chương trình đào tạo lên các cấp độ cao hơn, như các chương trình dài hạn về quản trị kinh doanh bảo hiểm, kế toán quản trị bảo hiểm…
Thứ hai, các trường đại học (chuyên giảng dạy các nghiệp vụ bảo hiểm) cần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên bảo hiểm. Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phát triển sâu hơn nguồn nhân lực. Thứ tư, cần tranh thủ hơn nữa lợi thế của các đối tác quốc tế về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng quản trị điều hành, kinh nghiệm xử lý những tình huống khó trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm để đào tạo đội ngũ cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
Theo Dương Thị Nhi, Trưởng ban Bảo hiểm, Trung tâm Đào tạo bảo hiểm (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm)
Đặc san Bảo hiểm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét