chia sẻ

8 kiểu người ai cũng ngại làm việc chung

Mỗi người đều có một tính cách hoặc phong cách làm việc riêng, nhưng có những tính cách không phù hợp với môi trường công sở. Xem ngay bạn có phải là một trong những kiểu người mà ai gặp cũng né trong công sở không nhé.

8 kieu dong nghiep ai cung ngai lam viec chung

1. Chuyên gia đi trễ

Những người mang danh hiệu này có thể đi trễ bất cứ đâu, bất kỳ dịp gì, từ các cuộc họp quan trọng đầu giờ với CEO đến những cuộc hẹn ngoài giờ như sinh nhật đồng nghiệp. Mà những người này đâu có việc gì quá bận rộn lắm đến nỗi phải đi trễ giờ đâu, đơn giản vì họ thích đọc nốt vài email gửi vào ngay trước giờ họp, muốn nghe những cuộc điện thoại vô tình gọi tới, hay đơn giản họ không thích cảm giác chờ đợi người khác. Thực chất “danh hiệu” này rất nguy hiểm, nó chứng tỏ bạn không tôn trọng thời gian của cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè, đối tác… những người mà bạn đang làm việc chung.

 

Nếu chẳng may bạn có tật xấu này, hãy xác định nguyên nhân vì sao bạn hay trễ giờ. Nếu trễ giờ do bạn quá chăm chú công việc mà quên mất thời gian hẹn, hãy cài đặt nhắc nhở trên email hoặc cài đặt chuông reo trên điện thoại. Nếu trễ giờ do những thói quen hàng ngày của bạn, hãy tập thay đổi thói quen đó, ví dụ như pha café trong văn phòng thay vì phải xếp hàng mua café ngoài Starbuck chẳng hạn.

 

2. Thánh mách lẻo

Cứ đồng nghiệp có vấn đề gì thì người này sẽ kể ngay với sếp. Từ chuyện nhỏ đến chuyện to, họ có thể kể vanh vách như thể đó là chuyện của họ. Mọi hành động của đồng nghiệp đều trong tầm ngắm của họ, họ có thể kể chi tiết tường tận. Dù người trong cuộc vẫn đang tìm cách gỡ rối thì vấn đề đã tới tai sếp.

 

Lời khuyên cho “tuýp” người này là mỗi khi bạn muốn kể chuyện của ai đó cho người khác, hãy tự hỏi bản thân “người đó có làm gì hại bạn không? Người đó có làm gì hại người khác không?”. Nếu câu trả lời là “không”, vậy thì tại sao bạn lại muốn kể chuyện của người đó cho một ai khác? Vì thế, trừ phi hành động của người kia thực sự gây tổn hại cho tổ chức, cho cá nhân một người nào đó… thì việc báo cáo của bạn cực kỳ được hoan nghênh. Còn nếu không, tốt nhất bạn nên im lặng và mặc kệ nó, vì dù gì tính mách lẻo này cũng không tốt cho sự nghiệp của bạn.

 

3. Tửu lượng kém nhưng thích uống

Mô tả ngắn về kiểu đồng nghiệp này: Cả phòng tổ chức party, mọi người nâng ly “dzô” tới bến. Họ cũng quá vui nên cứ uống lấy uống để đến mức chẳng còn nhớ trời trăng mây gió gì ráo, sau dịp đó đồng nghiệp cứ nhìn thấy họ lại thở dài ngán ngẩm. Điển hình như anh bạn đồng nghiệp của tôi hôm đi du lịch cùng công ty chỉ uống 3 ly cocktail đã bắt đầu “lờ đờ” và không ngừng hát “giờ em đã là vợ người ta” với cô bạn vừa lấy chồng. Kể từ sau vụ đó cô bạn tôi cứ thấy anh này là trốn như trốn tà, còn trao đổi công việc thì cũng có khoảng cách rõ rệt.

 

Thực sự chỉ có bản thân chúng ta mới biết rõ tửu lượng của chính mình, không ai có thể ép buộc bạn uống nhiều trong khi bạn không hề muốn. Vì thế, hãy biết ngưng đúng lúc và từ chối thẳng. Và nhớ rằng, các buổi party trong công ty chỉ để gắn kết mọi người chứ không phải là không gian để thử thách tửu lượng của bạn.

 

4. Thánh làm quá

Bạn đã từng gặp người đồng nghiệp như thế này chưa: anh ấy chạy lăng xăng trong văn phòng, miệng không ngừng kêu lên “Chết rồi, chết rồi”, khi bạn hỏi anh ta có vấn đề gì thì anh ta sẽ kể như thể vấn đề của anh ta sắp làm trái đất nổ tung rồi. Trong khi bạn thì vẫn đang suy nghĩ “Ủa vấn đề này có gì đâu mà phải xoắn đến thế?”. Vâng, người đồng nghiệp đó chính là điển hình của những người thích quan trọng hóa vấn đề.

 

Tất nhiên khi vấn đề xảy ra, chắc hẳn ai cũng mang tâm trạng rối bời. Thay vì bấn loạn và làm mọi việc phức tạp lên, hãy bình tĩnh xem xét lại vấn đề và tìm cách cứu chữa chúng. Nếu đó chỉ là vấn đề của cá nhân bạn, bạn có thể chat với đồng nghiệp hoặc cấp trên để xin lời khuyên. Mọi việc đều sẽ có cách giải quyết và gỡ rối được thôi.

 

5. Kẻ lười biếng

Ai đi làm rồi chắc chắn đã từng được giao những công việc mình không hề thích. Với những người lười biếng, khi bị giao những công việc như thế, họ sẽ làm việc với một thái độ rề rà, thiếu sinh lực và chỉ làm cho có để xong việc. Bạn góp ý thì OK, sửa. Góp ý tiếp thì sửa gì mà lắm thế, hoặc không thì thôi chú em muốn sửa gì thì tự sửa, việc của anh xem như xong rồi nhé.

 

Hãy nghĩ xem, nếu bạn không đặt 100% nỗ lực vào chuyện đang làm, bạn có thể phát triển kỹ năng và thăng tiến trong công việc không? Tệ hơn, bạn đang làm cho đồng nghiệp và cấp trên thấy bạn chỉ là một người bất tài, vô dụng trong các dự án của công ty. Tất nhiên, bạn không cần phải năng nổ trong tất cả các dự án, nhưng ít nhất bạn phải hoàn thành tốt phần việc của mình.

 

6. Mr. /Ms. Biết Tuốt

Nói đến các anh chị Biết Tuốt này bỗng dưng tôi nhớ đến lời dạy của ba tôi lúc nhỏ: Không phải vì con thông minh mà lúc nào con cũng phải thể hiện ra điều đó. Vâng, chính xác đó là điều tôi muốn mô tả về các Mr. hay Ms. Biết Tuốt này. Nếu bạn thấy đồng nghiệp có những khó khăn hoặc có sáng kiến cho dự án của họ, bạn có thể chia sẻ cùng họ. Nhưng không nên nói những điều chỉ để thể hiện bạn thông minh hiểu biết hơn họ hoặc chỉ để chứng minh rằng họ đã sai.

 

Trước khi chia sẻ, hãy nghĩ xem những lời nhận xét hay góp ý của bạn có thực sự thích hợp cho trường hợp của họ, có giúp đỡ họ không hay chỉ thể hiện sự hiểu biết của bạn và không có gì áp dụng được cho họ? Nói cho người khác biết những gì bạn biết một cách bất chấp không hề giúp bạn được họ yêu quý, càng không thể hiện cho mọi người rằng bạn là một Einstein thứ hai, nó chỉ khiến bạn trở thành một đồng nghiệp phiền phức và hay thể hiện bản thân mà thôi.

 

7. Người ích kỷ

Triệu chứng của những người này là luôn cố che giấu các thông tin với đồng nghiệp, thay vì chia sẻ và đóng góp ý tưởng, họ giữ những thông tin giá trị cho họ hoặc chỉ chia sẻ những thông tin đó cho sếp hoặc CEO nhằm lấy lòng cấp trên. Tệ hơn, họ còn có thể cướp công sức của người khác, lấy ý tưởng hay của đồng nghiệp rồi phát triển lên thành ý tưởng của họ và âm thầm báo cáo với sếp.

 

Hãy từ bỏ sự ích kỷ của bản thân và học cách làm việc vì tập thể, vì công ty. Việc cướp công sức của người khác để leo lên phía trên chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, về sau đồng nghiệp sẽ không còn ai hỗ trợ và bên cạnh bạn nữa.

 

8. Thích-chỉ-trích

Những người này chỉ thích bới lông tìm vết những lỗi dù là nhỏ nhất. Thay vì nói rằng “Ý tưởng này hay đó, nhưng tôi thấy nó còn vài chỗ chúng ta có thể cải thiện hơn” thì họ lại thích chỉ trích “Ý tưởng này thật lố bịch” và kết thúc, không hề có một góp ý nào để cải thiện tình hình mà cốt yếu chỉ muốn chê bai, phán xét người khác.

 

Lời khuyên cho những người chẳng may bị tật xấu này là trước khi bạn bắt đầu lên tiếng chê bai, hãy xem lại câu nói của bạn có đóng góp gì cho dự án của đồng nghiệp không, nếu không hãy tìm cách nói tránh, dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn để góp ý. Việc đó cũng giúp người bị góp ý dễ dàng chấp nhận và xem xét đóng góp của bạn hơn.

 

- HR Insider VietnamWorks -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google kiến thức về bảo hiểm