Không còn ồ ạt ra mắt thương hiệu mới, ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đang chứng kiến cuộc chạy đua hướng đến nhóm khách hàng tầm trung, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) ngoại.
Sức ép sản phẩm mới
Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí BHNT tăng 10,5%. Dù tăng trưởng tốt nhưng các DN vẫn liên tục đầu tư để mở rộng thị phần. Thấy rõ nhất là việc mở rộng mạng lưới, ra mắt sản phẩm mới và tăng cường chất lượng dịch vụ.
AIA Việt Nam bên cạnh việc ra mắt sản phẩm “An sinh tích lũy 10 năm” cho phép gia tăng mỗi năm 2% trên tổng số tiền bảo hiểm gốc, bắt đầu từ năm thứ 3 còn tích cực mở rộng mạng lưới.
Song song với chiến lược sản phẩm mới, AIA Việt Nam còn xây dựng mô hình dịch vụ khác biệt để khai thác phân khúc khách hàng mới: giới nhân viên văn phòng. Điển hình là sự ra mắt của AIA Exchange và Nest by AIA trong tháng 3 vừa qua.
Trong đó, AIA Exchange là địa điểm lý tưởng để gặp gỡ, chia sẻ thông tin, trao đổi về các đề tài kinh doanh cũng như các ý tưởng sáng tạo còn Nest by AIA là trung tâm dịch vụ khách hàng phục vụ cho các cư dân thành phố khám phá, trải nghiệm dịch vụ khách hàng với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn với thiết bị công nghệ cao.
Để khai thác phân khúc khách hàng này, AIA đã tuyển dụng những nhân viên trẻ, năng động và phát triển thành những chuyên viên hoạch định tài chính chuyên nghiệp. Những chuyên viên này được trang bị công nghệ làm việc mới nhất (100% chuyên viên hoạch định tài chính tại AIA Exchange và Nest by AIA sử dụng iPad để tư vấn và bán hàng).
Ông Stephen Clark, Tổng giám đốc Công ty AIA Việt Nam, cho biết: “Cho đến nay, người tiêu dùng tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tuổi chưa được phục vụ một cách phù hợp trong lĩnh vực BHNT. Họ có những đòi hỏi cao về chất lượng tư vấn, dịch vụ sau bán hàng và kể cả không gian giao dịch bảo hiểm. Chúng tôi xây dựng văn phòng AIA Exchange và Nest by AIA nhằm đáp ứng những mong muốn ấy”.
Chiến lược mở rộng mạng lưới cũng được Dai-ichi Life Việt Nam triển khai trong cuộc đua này. Từ đầu năm đến nay, có đến 5 văn phòng tổng đại lý của Dai-ichi khai trương, nâng tổng số văn phòng và tổng đại lý của Công ty lên con số 140. Dai-ichi còn đẩy mạnh việc khai thác bảo hiểm qua ngân hàng.
Mới nhất là ngày 11/5, Dai-ichi Life Việt Nam đã ký kết với HDBank để kinh doanh bảo hiểm độc quyền dài hạn. Theo đó, kể từ tháng 7/2015, Dai-ichi Life Việt Nam là đối tác duy nhất cung cấp các sản phẩm BHNT và bảo hiểm sức khỏe gắn với sản phẩm BHNT thông qua mạng lưới HDBank.
Theo ông Trần Đình Quân, Tổng giám đốc Công ty Dai-ichi Việt Nam, việc hợp tác với HDBank nằm trong chiến lược đa dạng hóa kênh phân phối và kinh doanh của Dai-ichi Life Việt Nam với mong muốn ngày càng có nhiều khách hàng tiếp cận với các sản phẩm BHNT của Dai-ichi Life Việt Nam.
“Chúng tôi kỳ vọng việc hợp tác độc quyền này sẽ tạo nền tảng vững chắc, đưa vị thế của Dai-ichi Life Việt Nam và HDBank lên tầm cao mới”, ông Quân nói.
Trong khi đó, Manulife Việt Nam xác định “khách hàng là trung tâm” nên tiếp tục đào tạo đội ngũ đại lý chuyên nghiệp, phát triển danh mục sản phẩm, mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn đồng thời với việc đa dạng hóa và phát triển kênh phân phối. Theo ông Michael Stewart Elliott, Tổng giám đốc Công ty PVI Sun Life, các sản phẩm mới sẽ tạo nên đột phá trên thị trường.
Đó là lý do để đầu tháng 4 vừa rồi, PVI Sun Life cùng lúc ra mắt 3 sản phẩm bảo hiểm mới, gồm: Bảo an gia, Bảo an sinh và Bảo an nhân. “Việc này nằm trong chiến lược không ngừng cải tiến chất lượng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm cũng như khách hàng của PVI Sun Life trong năm 2015″, ông Michael Stewart Elliott cho biết.
Ngay như Prudential, thương hiệu dẫn đầu thị trường cũng không thể lơ là trong việc phát triển sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực… Ông Wilf Blackburn, Tổng giám đốc Công ty Prudential Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi phải luôn tìm cách để giữ vững hệ thống, hỗ trợ các tư vấn viên, phát triển các mảng tiềm năng của thị trường đồng thời với việc đầu tư công nghệ, đào tạo nhân sự và thúc đẩy phát huy sáng kiến mới”.
Sức hấp dẫn của top 2
Theo báo cáo của Ernst&Young về “Sự chuyển dịch của ngành bảo hiểm tại các thị trường mới nổi”, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh và có nhiều triển vọng. Chính sự tăng trưởng thu nhập và phí bảo hiểm đã giúp Việt Nam lọt vào top hai thị trường thu hút các DN bảo hiểm nước ngoài.
Ông Paul George Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Manulife Việt Nam, cho rằng, thị trường BHNT Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều trong những năm gần đây.
Sự góp mặt của nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã thúc đẩy thị trường BHNT Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh. Cụ thể, so với 7 nước ở khu vực Đông Nam Á mà Manulife có mặt thì Manulife Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Ông Wilf Blackburn cho rằng, với tỷ lệ 8% so với 90% dân số mua BHNT trên thế giới, Việt Nam vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho việc phát triển dịch vụ này.
Bằng chứng là dù khó khăn nhưng tổng doanh thu năm 2014 của Prudential Việt Nam vẫn đạt đến 13.054 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2013, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt mức 9.155 tỷ đồng, tăng 19,8%. Thành công trong kinh doanh bảo hiểm và đầu tư đã giúp Prudential có tiềm lực tài chính đáng nể với tổng tài sản đạt 44.565 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2013.
Thực tế thị trường cho thấy, ngành BHNT Việt Nam hiện đang là “sân chơi” riêng của khối ngoại như Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, AIA Việt Nam, ACE Life Việt Nam… Vài năm gần đây còn có thêm những thương hiệu nước ngoài khác như Generali Việt Nam, Hanwha, Pre1voir, Great Eastern…
Các DN trong nước gần như bị “bao phủ” bởi các liên doanh với những tên tuổi ngoại qua các thương vụ M&A đình đám như Bảo Việt (công ty mẹ của Bảo Việt Nhân thọ) có cổ đông chiến lược là Sumito Life, PVI Sun Life (công ty con của PVI) với sự tham gia của Tập đoàn Sun Life (Canada)…
Dù có sự cạnh tranh quyết liệt nhưng “miếng bánh” thị trường BHNT vẫn chưa được phân chia lại. Dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2014 vẫn là Prudential Việt Nam với 32,85% thị phần.
Bảo Việt Nhân thọ xếp thứ 2 với 26,94%, Manulife Việt Nam thứ 3 với 11,49%, Dai-ichi Life Việt Nam thứ 4 với 9,51%, AIA Việt Nam thứ 5 (8,45%), ACE Life thứ 6 (4,76%) và 6% chia cho 11 DN còn lại, trong đó có Generali Việt Nam, Hanwha, Prévoir, Great Eastern và Fubon Life Việt Nam…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét