Ngày còn nhỏ, đã có lần tôi nghĩ: “Cha ghét mình, cha không thương mình bằng chị, không thương mình bằng em gái”, và suy nghĩ ấy ám ảnh tôi suốt ấu thơ. Sau này khi tôi làm bố của một cậu con trai, tôi mới nhận ra rằng tôi còn nợ cha mình một lời xin lỗi.
Thuở nhỏ, mỗi khi cha đi làm về, cả ba chị em tôi đều chạy ra chào cha. Nhưng thường cha sẽ xoa lên đầu chị, bế cô em út lên thơm vào má, và cha chỉ nhìn tôi cười. Mỗi lần chị hay em gái có khúc mắc hay ưu tư gì, vẫn là cha luôn cận kề giúp đỡ và chia sẻ. Còn tôi, lúc nào cũng phải tự giải quyết những vấn đề của mình. Có những việc tôi cần cha giúp, cha nói: “Con hãy cố một lần nữa thử xem”. Những khi tôi bị ngã đau quá mà khóc, cha thường bảo: “chỉ là trầy da chút xíu thôi mà, là con trai ai lại khóc nhè như thế”. Và tôi, sau những lần như vậy đã tự mặc định rằng mình không được nũng nịu, mình không được yêu chiều bởi vì mình là con trai.
Tôi nhớ năm tôi 12 tuổi, tôi bị đau ruột thừa phải đi cấp cứu. Khi tỉnh dậy trong phòng hồi sức tôi thấy cha ngồi bên cạnh tôi, tay xoa xoa lên mu bàn tay của tôi hỏi một cách trìu mến: “Đau lắm không con trai?”. Một câu hỏi của cha mà khiến tôi cảm động bật khóc. Cha không hiểu, tưởng tôi khóc vì quá đau, cuống cuồng gọi bác sĩ.
Nhưng những cử chỉ đó cực kì hiếm hoi. Tôi đã thấy cha ngồi bên chị gái hàng giờ nói chuyện về nhân tình thế thái. Cha có thể dành cả buổi tối chỉ để nghe cô út kể những chuyện linh tinh. Và tôi đôi lúc cũng thèm như thế. Tôi cũng có những tâm sự muốn được sẻ chia, cũng thích được cha lắng nghe. Nhưng với tôi, cha lại chỉ thường nói những câu ngắn gọn để kết thúc mà không cho tôi bắt đầu. Nếu là chị tôi buồn, cha sẽ hỏi “con gái có chuyện gì có thể kể cho cha nghe không? Nào nói ra đi con sẽ nhẹ lòng”. Nhưng nếu người buồn là tôi cha sẽ nói: “Đừng tỏ ra yếu đuối thế, mạnh mẽ lên con trai”. Với tôi, cha lúc nào cũng vội vàng, lúc nào cũng nguyên tắc, khô khốc và ngắn gọn.
Đã có lúc tôi nghĩ “cha ghét mình, cha không thương mình bằng chị, không thương mình bằng em gái”. Mẹ tôi đọc được những suy nghĩ này. Mẹ nói với tôi: “Không phải cha không thương con. Nhưng con cần sự mạnh mẽ, để khi con lớn lên có thể là chỗ dựa cho những người mà con yêu quý, giống như cha con bây giờ”.
Thực ra tôi không hiểu nhiều những điều mẹ nói cho đến khi tôi làm cha. Mỗi lần tôi ôm cô con gái nhỏ, trêu đùa với nó, khẽ liếc thấy thằng cu lớn đang ngồi im một mình bên giỏ đồ chơi. Cu anh rất ít khi quấy rầy tôi, có lẽ vì tôi hay ưu ái em gái nó hơn, kiểu như “con là anh trai, phải biết nhường em chứ”, “con trai mà động tý khóc nhè thế bạn bè cười cho”. Và tôi chợt thấy nghẹn lòng như bắt gặp lại hình ảnh của mình hơn hai mươi năm về trước.
Mỗi lần tôi về đưa con về thăm cha, cha thường đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Cha ôm thằng con của tôi âu yếm “đích tôn của ông về chơi à?” khắc hẳn cách cha đối đãi với tôi hồi tôi bằng tuổi ấy. Cha con tôi thường cùng ngồi đánh cờ hoặc uống trà và trò chuyện. Trong những câu chuyện ấy cha hay kể về những ngày tôi còn nhỏ. Cha nhớ lần đầu tiên tôi bị sốt trong đời lúc 8 tháng tuổi, nhớ lúc 13 tháng tôi biết đi, nhớ những món ăn tôi thích, nhớ chiếc áo kẻ carô tôi hay mặc. Cha kể cha đã sợ hãi như thế nào khi tôi phải vào viện cấp cứu, và lòng cha đau thắt mỗi khi nhìn những vết hằn trên mông tôi mỗi khi cha đánh đòn. Cha kể đã từng lo âu thấp thỏm ngày tôi đi phỏng vấn xin việc lần đầu tiên, đã cố gắng nói chuyện nhiều với vợ tôi lần đầu cô ấy về ra mắt để chắc chắn rằng đó là một cô gái tốt. Và tôi cay xè mắt nhận ra, cha đã thương tôi nhiều như thế, thương mà không nói, thương mà chỉ giấu trong lòng thầm lặng.
Tình cảm giữa cha và con trai là một thứ tình cảm rất khó để định nghĩa, thương trong khắt khe, yêu trong cứng rắn, và cứ muốn con bị quăng quật va đập giữa đời để trưởng thành thay vì bao bọc nâng niu. Người ta nói rằng đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi họ có con. Và chỉ khi ta trở thành cha của những đứa trẻ, ta mới hiểu được tình cha vĩ đại đến nhường nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét