Thực tế, thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân các cấp tại TP. HCM cũng đã xét xử nhiều tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm và nhiều người tiêu dùng đã thắng kiện đòi tiền bảo hiểm.
Nhưng xét cho cùng thì kiện cáo là điều bất đắc dĩ cho tất cả các bên. Chính vì vậy, theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, khi khách hàng thấy mình đủ điều kiện bồi thường bảo hiểm mà trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng ghi rõ điều khoản này, thì việc cần làm trước tiên là báo ngay cho đại lý phục vụ; nộp đủ các giấy tờ, chứng từ được yêu cầu mà trong thư yêu cầu giải quyết quyền lợi được bảo hiểm. Mặt khác, khách hàng cũng cần hợp tác với công ty bảo hiểm để thực hiện các yêu cầu bảo hiểm nếu có, nhằm hoàn tất việc thẩm định yêu cầu giải quyết bồi thường bảo hiểm trong thời gian sớm nhất.
Cuối cùng, nếu khách hàng đã làm đúng theo hợp đồng mà công ty bảo hiểm vẫn không chi trả và công ty cho rằng không đủ điều kiện để được hưởng bồi thường bảo hiểm, thì có thể kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc công ty bảo hiểm chi trả tiền theo hợp đồng bảo hiểm đã ký và lãi suất nếu có.
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao về việc một khách hàng của công ty bảo hiểm nhân thọ phản ánh họ đã tham gia một hợp đồng bảo hiểm hơn 10 năm, nhưng khi gặp rủi ro lại không được công ty bảo hiểm thanh toán... Tuy nhiên, sau khi khách hàng phản ánh, công ty này rà soát lại hồ sơ thì thấy, cho đến thời điểm nhận được thông tin khiếu nại, công ty vẫn chưa hề nhận được bất kỳ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nào từ khách hàng này. Trong khi đó, hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm chính là cơ sở để công ty thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm một cách thỏa đáng, đúng luật và đúng theo điều khoản hợp đồng.
Đối với trường hợp khách hàng trên, sau khi xem xét tình huống, biết khách hàng đã không thể đi lại một thời gian dài sau khi xuất viện và gặp khó khăn trong việc thông tin kịp thời đến công ty, hãng bảo hiểm này đã chủ động liên lạc với khách hàng và cũng đã gửi văn bản đề xuất cách thức giải quyết nhằm hỗ trợ khách hàng…
Tất nhiên, trường hợp này chỉ là một trong muôn vàn những vụ khiếu nại mà các công ty bảo hiểm gặp phải. Vụ việc trên có thể có kết thúc tốt đẹp cho tất cả nếu khách hàng đồng lòng với các cách thức giải quyết mà hãng bảo hiểm đưa ra. Nhưng không phải trường hợp khiếu nại nào của khách hàng với các hãng bảo hiểm cũng có kết thúc có hậu như vậy.
Nhìn nhận về các vụ vịệc nảy sinh tranh chấp giữa khách hàng và các công ty bảo hiểm thời gian qua, có ý kiến cho rằng, khiếu kiện xảy ra vì trong hợp đồng bảo hiểm, nguyên tắc trung thực đã không được coi trọng, các bên tham gia bảo hiểm không cung cấp đầy đủ và trung thực mọi thông tin (cả khách hàng mua bảo hiểm và đại lý/tư vấn bảo hiểm).
Trong nhiều trường hợp, khi ký hợp đồng bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm không tư vấn cụ thể, kỹ lưỡng cho khách hàng về đặc điểm của từng sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến việc người mua rất mơ hồ về sản phẩm họ lựa chọn. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân nảy sinh rất nhiều vụ khiếu nại về quyền lợi của khách hàng.
Đối với người mua bảo hiểm, yêu cầu cần tìm hiểu quy định của pháp luật khi mua bảo hiểm, tránh che giấu thông tin về độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của mình… là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng hiểu hết rằng yếu tố này là một trong những căn cứ để công ty bảo hiểm quyết định bồi thường khi rủi ro xảy ra.
Ngoài ra, để giảm tối đa tranh chấp, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm nghiên cứu hướng dẫn quy trình thanh toán đơn giản hóa thủ tục hơn cho khách hàng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành các quy chế về quản lý đại lý bảo hiểm nhằm nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, vì sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Được biết, Hiệp hội Bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang nghiên cứu, bàn thảo nhằm đơn giản hóa các thuật ngữ cũng như điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét